Theo ông Lợi, sáng 25-12-2015, ông gọi đến số điện thoại của Phòng Đào tạo Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên để hỏi thủ tục nâng hạng bằng lái xe và được thông báo sẽ có giáo viên gọi lại. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, ông Lai gọi cho ông Lợi trao đổi về việc nâng hạng bằng lái xe mà không có bằng tốt nghiệp cấp 2. Đến hẹn, sáng 28-12-2015, ông Lợi và ông Lai gặp nhau tại quán cà phê cạnh trường bàn bạc nâng hạng bằng lái xe từ C lên E (2 bậc). Tại đây, ông Lai đã nhận lời nâng bằng cho ông Lợi với điều kiện phải chung chi tổng cộng 17 triệu đồng. Cụ thể, tiền học phí 4,2 triệu đồng, tiền lấy giấy khám sức khỏe 800.000 đồng, tiền làm bằng tốt nghiệp cấp 2 giả 7 triệu đồng… Sau khi thống nhất, ông Lợi đã giao cho ông Lai 12 triệu đồng.
Để chắc chắn, ông Lợi tiếp tục nhờ một người tên Tú gọi điện trao đổi với ông Lai về việc nâng hạng bằng lái xe mà chưa có bằng tốt nghiệp cấp 2 và cũng được ông Lai nhận lời. Theo người này, mới đây anh đã đi nâng hạng bằng C lên E nên đã biết được có nhiều người không có bằng cấp 2 và được giáo viên trường làm bằng giả.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 4-1, ông Trương Văn Lục, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên, cho rằng: Nhà trường khuyến khích giáo viên tuyển sinh nhưng phải đúng quy định và không bao giờ có việc nhà trường tổ chức đường dây làm bằng giả. “Tôi đang đi công tác nên chưa làm rõ được vấn đề, nếu đúng thầy Lai nhận tiền để làm bằng giả thì nhà trường sẽ đuổi việc” - ông Lục nói.
“Mặc dù việc làm bằng giả và nâng bằng chưa thực hiện được và ông Lợi đã lấy lại tiền nhưng chúng tôi sẽ phối hợp xử lý nghiêm” - ông Đỗ Bình Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk, nói.
Bình luận (0)