Điều đáng nói là sự việc con bò tót chết ở miền Trung diễn ra ngay sau khi con cá tra dầu thuộc loại động vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới cũng chết không lâu sau khi được cứu hộ tại khu vực ĐBSCL. Sở dĩ con cá tra dầu chết là vì công tác cứu hộ được thực hiện theo kiểu “hên xui” chứ không theo quy trình cứu hộ, bảo tồn động vật quý hiếm.
Hai sự kiện thu hút sự quan tâm rộng rãi của người dân và dư luận cả nước cùng có một kết cục không mong muốn đã làm dấy lên mối hoài nghi về sự bất cập, năng lực, trình độ của đội ngũ chuyên môn làm công tác cứu hộ của nước ta hiện nay.
Từ sự kiện cứu hộ ở khu vực ĐBSCL và miền Trung nhìn rộng ra càng thấy thêm lo lắng về công tác cứu hộ và cứu nạn ở nước ta. Không chỉ cứu hộ động vật và ngay cứu hộ, cứu nạn sinh mạng con người cũng đã phải chứng kiến những bài học vô cùng đau đớn và đắt giá. Trong đó đau xót nhất và cũng gây chấn động nhất từ trước tới nay là vụ cháy tòa nhà ITC ở TPHCM ngày 29-10-2002 làm hơn 60 người thiệt mạng.
Gần tròn 10 năm sau sự kiện cứu hộ ITC nhìn lại vẫn thấy nguyên những bất cập và cả yếu kém của công tác cứu hộ, cứu nạn từ khâu tổ chức cho tới lực lượng, trang thiết bị, sự chuyên nghiệp và trình độ năng lực chuyên môn.
Biết bao lần chúng ta đã phải giật mình với công tác cứu hộ, cứu nạn ở nước ta. Từ 2 sự kiện cứu hộ mới nhất, buộc phải đặt ra câu hỏi là: Bao giờ mới hết giật mình với công tác cứu hộ, cứu nạn?
Bình luận (0)