Hai năm trở lại đây, người Sài Gòn đã dần quen với câu chuyện "cổ tích giữa đời thường" khi những quán cơm 2.000 đồng xuất hiện. Người lao động nghèo được no với bữa cơm đầy đủ món mặn, món canh, món tráng miệng. Giờ đây, cũng với 2.000 đồng, họ có thể tiếp cận văn hóa đọc tại quầy sách ở quán cơm Nụ Cười 3 (298A Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TP HCM).
Đông đảo trẻ em, người lao động mua sách tại quầy sách 2.000 đồng
Từ cơm 2.000 đồng đến sách 2.000 đồng
Người sáng lập quầy sách cũng là chủ nhiệm quán cơm Nụ Cười 3. Anh T. không thích nêu tên trên báo, chỉ muốn lặng thầm mang văn hóa đọc đến người nghèo. Anh bộc bạch: "Tình cờ nghe lời than của một chị tạp vụ "tiền ăn không đủ lấy đâu ra mà mua sách", tôi đã vận động người thân, bạn bè ủng hộ để mở quầy sách 2.000 đồng". Thấy được ý nghĩa tích cực của quầy sách, nhiều cá nhân và đơn vị đã ủng hộ để phong phú thêm nguồn sách.
Từ khi biết đến chương trình, anh Dương Hoài Phong (ngụ quận Thủ Đức) tích cực đi vận động bạn bè, đồng nghiệp quyên góp sách tặng. "Sách được chia sẻ với nhiều người thì mới có giá trị. Tôi thấy hạnh phúc khi được góp chút sức mọn để trẻ em và người lao động nghèo có thêm điều kiện tiếp cận những cuốn sách mà mình yêu thích" - anh Phong nói.
Dù quy định mỗi khách hàng chỉ được mua 1 quyển nhưng ngày nào quầy cũng bán hơn 100 quyển. Khai trương từ tháng 5, đến nay quầy bán được hơn 3.000 quyển sách. Mừng và hạnh phúc vì một chương trình xã hội với mô hình bán sách giá rẻ đầu tiên tại TP HCM được đông đảo người nghèo đón nhận, anh T. nói: "Nhìn hình ảnh những phụ nữ lam lũ tay cầm xấp vé số, những người thợ xây dựng quần áo lấm lem đang mải mê lựa sách; rồi mặt sáng bừng lên hạnh phúc khi tìm được cuốn sách ưng ý mà tôi thấy ấm lòng. Đây cũng là động lực để chúng tôi duy trì quầy sách dù công việc tìm và vận động nguồn sách không hề dễ dàng".
Cô Nguyễn Thị Như Hòa động viên các sĩ tử nghèo trong kỳ thi đại học
Ông thầy thuốc có 70 người con nuôi
Mới hơn 6 giờ, phòng khám bệnh từ thiện tại số 126 Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP HCM) đã đông nghẹt người. Đưa tay nhận thuốc từ dược sĩ, cụ Nguyễn Thị Oanh (70 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) khóc nức nở: "Trước giờ có ai cho không tôi gì đâu, giờ lại được khám sức khỏe và nhận thuốc miễn phí thì còn gì bằng. Mấy tháng nay, cột sống, dạ dày tôi nó đau mà không có tiền đi khám".
Với nhiều người dân nghèo, phòng khám từ thiện này đã trở thành địa chỉ quen thuộc từ 20 năm nay. Nói về việc mở phòng khám, ông Nguyễn Hữu Nhơn, trưởng ban điều hành, cho biết: "Vào khoảng thập niên 1950-1960, cha tôi đã lập một tủ thuốc từ thiện để giúp đỡ người nghèo bị bệnh. Tôi cũng muốn làm điều tương tự như cha và năm 1993, phòng khám từ thiện ra đời".
Tuy bước đầu còn chật vật về nguồn tài chính nhưng nhờ uy tín và tấm lòng thiện nguyện, ông đã đón nhận sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè, nhất là những bác sĩ giỏi tại TP HCM. Là một người luôn hết mình vì hoạt động xã hội, ông không chỉ giúp họ vượt qua nỗi đau mà còn quan tâm đến đời sống của người dân nghèo. Ông đã cùng Hội Thầy thuốc tình nguyện sang Campuchia thay thủy tinh thể, tặng quà cho bệnh nhân nghèo và thực hiện rất nhiều hoạt động từ thiện khác…
Chính nghĩa cử cao đẹp của ông là tấm gương cho người thân trong gia đình. Ngoài 5 người con đều thành đạt, ông có khoảng 70 người con nuôi, hầu hết là sinh viên nghèo. Hiện có 27 sinh viên đang được ông cho ở miễn phí. "Tôi hạnh phúc với những điều mình đang làm. Hạnh phúc không phải là điều gì đó quá xa vời, đôi khi chỉ đơn giản là sự cho đi" - ông tâm niệm.
14 năm nâng bước sĩ tử
"Nhanh thật, mới đây đã đến ngày thi cuối cùng của tụi con rồi. Nhớ hôm trước, bước vào nhà cô còn bỡ ngỡ, lạ lẫm khi lần đầu xa nhà. Nhưng chính thái độ ân cần và niềm nở của cô làm con thấy ấm cúng, không còn ngần ngại. Thật may mắn khi con gặp được cô...", "Ấn tượng đầu tiên khiến con nhớ mãi đó là hôm đầu con tới đây, trời mưa to lắm, cô đã đội mưa, lội nước ngập đến tận đầu gối để mang cho chúng con áo mưa. Rồi ăn ở, đường đi cô đều chỉ bảo tận tình như một người mẹ… Con thật sự cảm ơn cô, con xem đây như một gia đình thứ hai của mình". Đây là 2 trong số rất nhiều lời tâm sự trong cuốn sổ ghi chép mỗi khi kết thúc mùa thi đại học của nhiều thế hệ thí sinh ở trọ tại nhà cô Nguyễn Thị Như Hòa.
Căn nhà của cô nằm trong con hẻm 430 trên đường Điện Biên Phủ (phường 17, quận Bình Thạnh, TP HCM), cứ đến mùa thi lại đón 5-7 sĩ tử con nhà nghèo vào ở miễn phí, mặc dù nhà chỉ vỏn vẹn chừng 15 m2 với 1 trệt, 1 gác. Nhà chật là thế nên không ai dám nghĩ cô Hòa lại "đèo bòng" nhưng đã 14 năm qua, nơi đây đã nâng bước không biết bao nhiêu sĩ tử. Điều đáng nói là gia đình cô Hòa rất khó khăn với nguồn thu nhập chính từ việc bán vài bịch bánh bim bim, xà phòng và các thứ linh tinh khác. Cô tâm sự: "Mình cũng là "lá rách" nhưng có thể đùm được "lá rách" hơn thì làm chứ không phải đắn đo, suy nghĩ nhiều".
Chị Nguyễn Thị Diễm, nhân viên Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP HCM, cho biết năm nào trung tâm cũng đưa thí sinh đến nhờ cô Hòa cưu mang trong lúc các em lạ nước lạ cái. "Ở những nơi nhường cơm sẻ áo như nhà cô Hòa, có thể nhà chật nhưng lòng rộng mở và ấm áp" - Diễm cho hay.
Bình luận (0)