Một ngày giữa tháng 4-2014, chúng tôi tìm đến khu vực chợ Kế Xuyên, xã Bình Trung hỏi thăm về những người “làm từ thiện”. Mới đến đầu chợ, tôi đã được một phụ nữ giới thiệu rành rọt: “Ở đây, họ đi làm từ thiện nhiều lắm. Chú cứ vô xóm trong, thấy nhà nào to đẹp là của những người “làm từ thiện”. Họ giàu lắm, có nhiều người mua cả ô tô, tay đeo đầy vàng” - bà cho biết.
Kéo nhau “làm từ thiện”
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến những gia đình có người đi “làm từ thiện”. Tuy nhiên, nhiều người từ chối cho biết những “mánh khóe” của nghề đang “ăn nên làm ra” này. Bà T. (ngụ tổ 2, thôn Kế Xuyên 2) cho biết hầu như nhà nào trong tổ cũng có người đi làm nghề này. Năm ngoái, thấy người hàng xóm “làm từ thiện” một thời gian kiếm được nhiều tiền, bà cũng định đi nhưng bị chồng cấm cửa vì ghen tuông. “Gần nhà tôi có ông N. đi làm nghề này rồi lấy vợ khác không về, bỏ vợ con nheo nhóc” - bà T. dẫn chứng.
Cuối cùng, chúng tôi cũng gặp được ông Ngô H., làm nghề này đã gần 15 năm. “Tại xã Bình Trung, nghề “làm từ thiện” ra đời vào khoảng năm 1995-1996. Thời đó, chỉ một số ít người đi làm nên rất dễ kiếm ăn, hiện nay thì khó khăn hơn vì thấy dễ kiếm tiền nên người người kéo nhau đi “làm từ thiện” - ông H. kể.
Vì đã lớn tuổi, không muốn lang bạt khắp nơi nữa nên ông H. có ý định bỏ “nghề”. Cũng chính vì vậy mà ông mới tiết lộ cho chúng tôi nghe về công việc trước đó của mình. “Ai mới nghe cứ nghĩ xã này oai, nhiều người đi làm công đức. Nhưng thực chất không phải, cái này là đi xin tiền, thậm chí “làm” tiền trên danh nghĩa từ thiện” - ông H. nói.
Theo ông H., hiện tại, những “ông bầu” có tiếng trong nghề này đều ở TP HCM, chỉ khi Tết nhất mới về quê. Những người đi “làm từ thiện” ở Bình Trung có rất nhiều cách như: bán sách, bán vé, làm banner quảng cáo và xin tiền hưởng phần trăm hoa hồng. Trong đó, cách họ thường làm nhất là đi bán vé “chương trình từ thiện”. Theo đó, “ông bầu” sẽ đến liên lạc với một cơ quan nhà nước bất kỳ, đặt vấn đề tổ chức một chương trình từ thiện, gây quỹ. Trên danh nghĩa cơ quan nhà nước tổ chức, hai bên hợp đồng cho một buổi biểu diễn với mức giá phù hợp. “Ông bầu” đưa tiền trước cho cơ quan nhà nước rồi chia quân đi thực hiện các việc tổ chức, bán vé thu tiền. “Cái này là mua đứt bán đoạn, lời ăn lỗ chịu. Nếu chương trình “ngon” thì kiếm được khối tiền nhưng cũng có khi lỗ như chơi” - ông H. bộc bạch.
Làm banner quảng cáo cũng tương tự. Tới ngày lễ thì “ông bầu” sẽ đến các cơ quan nhà nước đặt điều kiện hợp tác treo banner tuyên truyền, sau đó cho quân đến các doanh nghiệp liên hệ móc nối quảng cáo để ăn tiền hoa hồng. “Thông thường, làm 1 banner quảng cáo chỉ tốn vài chục ngàn đồng nhưng khi hợp đồng quảng cáo thì số tiền doanh nghiệp phải trả lên đến vài trăm ngàn đồng” - ông H. nói.
Cách khác là trực tiếp đi xin tiền từ thiện. Lúc đó, “ông bầu” sẽ phối hợp với cơ quan nhà nước để tổ chức chương trình gây quỹ từ thiện như mổ mắt cho các cụ già; gây quỹ cho trẻ em khuyết tật, mồ côi... Những người đi xin tiền sẽ được cơ quan nhà nước cấp giấy giới thiệu để đến các doanh nghiệp mời ủng hộ. Người trực tiếp đi xin sẽ được hưởng 30% số tiền kiếm được. “Bản chất của việc này là tốt, không phạm pháp. Ai dẻo miệng, có tài thuyết phục, tài ăn nói thì làm được hết. Chỉ có điều nếu ai đó lợi dụng những kẽ hở để làm điều không tốt thì mới dễ giàu lên” - ông H. trầm ngâm.
Dễ phát sinh tiêu cực
Ông H. cho biết hiện nay, những người làm các chương trình cho ngành công an là dễ “kiếm ăn” nhất. Theo ông, dựa vào cái mác chương trình của ngành công an, nhiều người lấy danh nghĩa “làm từ thiện” rồi đến các quán bar, doanh nghiệp nhạy cảm, thường xuyên sai phạm để đe dọa, yêu cầu mua vé hoặc ủng hộ tiền mặt.
“Thường thì các doanh nghiệp đồng ý ngay, thậm chí họ chấp nhận bỏ ra vài triệu đồng mua vé hoặc ủng hộ không cần nhận vé” - ông H. nói.
Tháng 7-2013, Công an huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã bắt quả tang Nguyễn Hữu Phước (SN 1964, ngụ thôn Vĩnh Phú, xã Bình Trung) giả danh nhân viên Đoàn Ca múa nhạc thuộc Bộ Công an để xin tiền.
Theo điều tra, vào thời điểm đó, Phước đến chùa Trúc Lâm (thôn Liên Hiệp 1, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh) giới thiệu là người của Cục Công tác chính trị Bộ Công an, nêu vấn đề xin hỗ trợ tiền thực hiện chương trình ca múa nhạc với chủ đề “Phòng và chống tệ nạn xã hội”, tổ chức tại TP Quảng Ngãi. Phước mang theo nhiều giấy tờ để kêu gọi từ thiện, trong đó có hợp đồng tài trợ nuôi dưỡng cùng chương trình truyền hình trực tiếp theo chủ đề Trái tim cho em do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức; phiếu thu tiền do Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam phát hành…
Hầu hết các loại giấy tờ trên đều được đóng dấu và chữ ký giả. Cũng với chiêu trên, Phước đã lừa đảo trót lọt tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia chùa Ông (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa), lấy 2 triệu đồng.
Ngoài những tiêu cực trong lúc “hành nghề”, nhiều gia đình có người đi “làm từ thiện” ở xã Bình Trung cũng tan nát khi vợ hoặc chồng ngoại tình. Ngoài ra, việc cha mẹ suốt ngày đi xa, không chăm sóc con cái cũng dễ phát sinh những câu chuyện đau lòng. Tại xã Bình Trung, vợ chồng bà N. đều đi “làm từ thiện”, con cái ở nhà bỏ bê học hành, có đứa trở thành tội phạm…
Khó quản lý
Ông Dương Thành Trí, Trưởng Công an xã Bình Trung, cho biết xã có khoảng 300-400 người “làm từ thiện”. Theo ông Trí, việc quản lý những người này gặp rất nhiều khó khăn do họ thường xuyên vắng mặt ở địa phương. “Những gia đình có người làm nghề này đều rất khá giả, chỉ cần một thời gian là có thể xây nhà, thậm chí mua ô tô” - ông Trí nói.
Bình luận (0)