Lúc 9 giờ ngày 1-4, Gác Trịnh (khu chung cư Nguyễn Trường Tộ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tổ chức kỷ niệm 14 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc (TP HCM), bạn của Trịnh Công Sơn, dịp này đã tặng Gác Trịnh bức ảnh chụp 2 chị em Bích Diễm (người mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng yêu và viết tặng Diễm xưa) và Dao Ánh (em ruột của Bích Diễm) trong một triển lãm cách đây 50 năm.
Chốn đi về của tao nhân mặc khách
Buổi sáng ở Gác Trịnh bao giờ cũng thật yên tĩnh và trong lành.Không gian thật hiền có lẽ bởi những chiếc lá từ vòm long não ngoài kia, ngay bên vệ đường đã xanh một cách lạ lùng như thể làm mềm cả những ánh mắt. Buổi trưa và chiều cũng vậy, nắng xiên qua những vòm lá, rồi soi thẳng vào trong căn phòng, lùa cả những cơn gió đang chạy dọc hành lang tràn qua ô cửa sổ.
Câu thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Chỉ nghe tiếng gió ở ngoài hành lang” viết trong những tháng ngày ở đây quả nhiên vẫn còn rất đúng với Gác Trịnh - nơi ngày xưa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, sau đó là nơi ở của nhiều người bạn: Ngụy Ngữ, Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường… Cũng chính tại nơi đây, Trịnh Công Sơn và bạn bè đã hun đúc những khát vọng sáng tạo, từ đó làm nên một thế hệ “vàng ròng” cho nền văn học nghệ thuật nước nhà nói chung, Huế nói riêng, với những tên tuổi của Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường, Bửu Ý, Bửu Chỉ…
Cũng đã có khá nhiều tên tuổi lớn không đến đây vào thời trai trẻ của Trịnh Công Sơn nhưng cũng từng ghé tới hàn huyên những câu chuyện thâm tình và lai rai chén rượu sơn khê, trong đó có nhà văn Nguyễn Tuân.
Sau năm 1975, Nguyễn Tuân đến Huế và được chính quyền đón tiếp như một thượng khách, bố trí ăn nghỉ tại khách sạn số 5 Lê Lợi - khách sạn sang nhất Huế thời đó, một thời là dinh thự của thống đốc Pháp ở Huế những năm 1920. Ấy nhưng từng đêm, nhà văn vẫn đến khu chung cư Nguyễn Trường Tộ uống rượu với Trịnh Công Sơn trong căn phòng nhỏ, đến gần sáng mới trở về, leo hàng rào vào khách sạn.
Lưu dấu huyền thoại
Từ sau năm 1978, Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn, để lại căn nhà với bao nhiêu huyền thoại cho bạn bè. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã biến nơi đây thành nơi đi về của bao tao nhân mặc khách, trong đó có nhà văn Phùng Quán vào những năm cuối đời thường ghé lại.
Vậy mà Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn viết: “Tôi ra mở cửa đón người, chỉ nghe tiếng gió ở ngoài hành lang”. Trong những ca khúc của Trịnh, hình ảnh gió đôi khi là tiếng reo vui “Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng”, đôi khi là bàn tay tự tình “Gió sẽ mừng vì tóc em bay”, đôi khi là chênh vênh kiếp người “Gió trời lênh đênh, nhớ con phố hẹn” nhưng đã có lúc là phương châm sống đầy nhân bản “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không, để gió cuốn đi”. Hàng triệu người yêu nhạc Trịnh đã và sẽ hát mãi câu hát đó bởi trong mênh mông phi lý cuộc đời, nhiều khi họ muốn sống như thế và nhiều người cũng đã sống như thế.
Một câu thơ nổi tiếng của thi sĩ - liệt sĩ Ngô Kha cũng đầy gió:
“Con đi đã bao năm
mẹ không rời ngưỡng cửa
và nay
gió cũng tang bồng
nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu”
Và có một bài thơ có tựa đề là Gió của Ngô Kha, có đoạn:
“Bây giờ gió còn trẻ
Chúng mình nói chuyện về tình yêu
Có người bảo gió đa tình
Vì gió đã từng ở lại ban đêm trong những khu rừng
Kể tâm tình với những dòng sông
Gió đã từng hôn lên những mảnh trăng và những đóa hoa
Bây giờ tan vỡ…”
Sao mà những người bạn đã gần nhau đến thế! Những năm 1970, nhóm bạn Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Đinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lữ Quỳnh… đã chơi với nhau rất thân. Trịnh Công Sơn lúc bấy giờ là một nhạc sĩ nổi tiếng toàn quốc, Ngô Kha là giáo sư Trường Quốc học, là nhà thơ được tuổi trẻ Huế ngưỡng mộ. Ca từ nhạc Trịnh rất gần với những câu thơ siêu thực của Ngô Kha cũng như nét đẹp guộc gầy của thiếu nữ trong tranh Đinh Cường rất gần cách nhìn người đẹp của Trịnh Công Sơn “vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi”…
Kỳ tới: “Bảo tàng” kỷ vật
Về hát bên mộ Trịnh
Tại TP HCM, hàng trăm người dân đã đến viếng mộ Trịnh Công Sơn từ sáng đến khuya 1-4 tại khuôn viên chùa Quảng Bình (đường Lê Thị Hoa, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức). Ông Nguyễn Văn Trọng (57 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) từ sáng sớm đã chạy xe đến viếng mộ. Là giáo viên về hưu, vì quá mê nhạc Trịnh nên năm nào ông Trọng cũng đến đây, gặp gỡ nhiều người yêu nhạc Trịnh. Họ cùng ngồi với nhau, đàn hát nhạc Trịnh đến tận khuya mới về. Còn ông Ngô Hữu Lợi, một kiến trúc sư sống tại Huế, nói: “Khi biết tôi vào TP HCM viếng mộ Trịnh Công Sơn, bạn bè khắp nơi nhắn tin cho tôi nhờ thắp giùm nén nhang. Ở Huế, rất nhiều người ghiền nhạc Trịnh”.
Thay mặt gia đình, nữ ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em ruột nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bày tỏ lòng cảm kích trước tình cảm mà mọi người đã dành cho anh mình. Theo ca sĩ này, lúc còn sống, nhạc sĩ luôn muốn mọi người, bất kể giàu nghèo, đều có thể thưởng thức âm nhạc một cách trọn vẹn. Vì vậy, sắp tới, gia đình sẽ tổ chức phát vé miễn phí giúp người nghèo có thể thưởng thức những đêm nhạc Trịnh chất lượng. Đêm đầu tiên (2-5) sẽ diễn ra ở khu Phú Mỹ Hưng (TP HCM). Tiếp đó, các đêm nhạc sẽ diễn ra ở Bạc Liêu, Hà Nội, Huế.
Tin-ảnh: Nh.Phú
Bình luận (0)