Chiều 6-4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình Quốc hội (QH) xem xét bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, làm Thủ tướng Chính phủ thay thế người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng.
Miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Sáng cùng ngày, tại QH, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình bày tờ trình đề nghị QH miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.
Theo Chủ tịch nước, tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII, ông Nguyễn Tấn Dũng được QH bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. “Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao” - Chủ tịch nước nhìn nhận.
Tờ trình cũng nêu rõ: Do yêu cầu sắp xếp công tác nhân sự cấp cao của Đảng, nhà nước sau Đại hội Đại biểu (ĐB) toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhằm tạo sự đồng bộ trong việc kiện toàn tổ chức nhà nước và công tác cán bộ; căn cứ điểm 5 Nghị quyết số 01 ngày 12-3-2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, căn cứ điều 88 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; căn cứ điều 11 Luật Tổ chức QH; căn cứ Nội quy kỳ họp QH, Chủ tịch nước trình QH xem xét chấp thuận miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.
Chiều cùng ngày, QH đã tiến hành miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng đối với ông Nguyễn Tấn Dũng bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trưởng Ban Kiểm phiếu Huỳnh Văn Tí cho biết tổng số ĐBQH là 494, số ĐB có mặt là 487. Số phiếu hợp lệ là 486, không hợp lệ 1 phiếu; số phiếu đồng ý miễn nhiệm là 418 (84,62%), không đồng ý là 68 (13,77%). “Căn cứ nội quy kỳ họp, QH đã miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng” - ông Tí thông báo.
QH cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng đối với ông Nguyễn Tấn Dũng, tỉ lệ ĐB tán thành là 87,04%. Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành kể từ khi QH bầu được Thủ tướng mới.
Ngày 7-4, tân Thủ tướng tuyên thệ
Ngay sau khi ông Nguyễn Tấn Dũng được miễn nhiệm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trình danh sách đề cử nhân sự để QH bầu Thủ tướng Chính phủ mới. Tờ trình được Chủ tịch nước trình bày trước QH giới thiệu vào chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, kế nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là ông Nguyễn Xuân Phúc.
Dự kiến, sáng 7-4, QH sẽ tiến hành bầu Thủ tướng bằng hình thức bỏ phiếu kín. Và nếu được QH bầu, ngay sau đó, tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ nhậm chức trước QH.
Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20-7-1954; quê quán ở xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; trình độ cao cấp lý luận chính trị; cử nhân kinh tế; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa: X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa: XI, XII; ĐBQH các khóa XI, XIII.
Từ năm 1973-1993, ông là sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội; Phó Văn phòng rồi Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Đảng ủy viên Đảng ủy khối Dân Chính Đảng Quảng Nam - Đà Nẵng khóa 1, 2.
Từ năm 1993-1996, ông là Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Học quản lý kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore.
Từ năm 1997-2001, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa 17, 18; Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam kiêm Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam.
Từ năm 2001-2006, ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nhiệm kỳ 1999-2004); Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH khóa XI; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nhiệm kỳ 2004-2009); Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH khóa XI.
Từ tháng 3 đến tháng 5-2006, ông giữ chức Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Tại Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ tháng 6-2006 đến tháng 8-2007, ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH khóa XI.
Từ tháng 8-2007 đến nay, ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tại Đại hội ĐB toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị; ĐBQH khóa XIII. Tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII, ông được QH phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ.
Quốc hội thông qua 4 dự án luật
Cũng trong sáng 6-4, với đa số ĐB tán thành, QH đã thông qua các dự án: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Dược (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi).
Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng:
Đặt niềm tin trong phòng chống tham nhũng
Công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua được đánh giá là còn nhiều hạn chế, gây ra rất nhiều hệ lụy và thiệt hại. Vì vậy, rất cần người đứng đầu chính phủ có tinh thần trách nhiệm cao và đặc biệt là không được “nhúng chàm”. Tôi tin rằng ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ quan tâm nhiều hơn vấn đề này. Ông đã từng theo dõi, phụ trách về vấn đề nội chính, đã có kinh nghiệm nhiều năm, chắc chắn sẽ làm tốt hơn công tác này. Chống được tham nhũng cũng là điều kiện để thúc đẩy đất nước phát triển.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Quyết liệt và hiệu quả
Có nhiều thời gian làm việc cùng nhau, tôi đánh giá về ông Nguyễn Xuân Phúc trong 4 ý: “Gần gũi, lắng nghe, quyết liệt và hiệu quả”. Thời còn ở tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã góp phần tạo ra những dấu ấn kinh tế nổi bật tại Hội An, Khu Kinh tế mở Chu Lai…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được phân công phụ trách lĩnh vực nội chính và đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Nhưng nhiều người không biết là ông Nguyễn Xuân Phúc được đào tạo rất nền tảng về kinh tế khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân. Nói đến “Chính phủ kiến tạo”, nhiều lần ông Nguyễn Xuân Phúc tâm sự: Gốc của “kiến tạo sân chơi cho doanh nghiệp, người dân” chính là cải cách thể chế. Tôi tin rằng Chính phủ mới với sự dẫn dắt của ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ, nhất là trong cải cách thể chế, cải cách hành chính. Vì dừng chuyển động, dừng cải cách là tụt hậu và con cháu chúng ta sẽ không chấp nhận một quốc gia tụt hậu…
ĐBQH Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh Nghiệp tỉnh Sóc Trăng:
Đủ kinh nghiệm, bản lĩnh
Ông Nguyễn Xuân Phúc đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ Phó Thủ tướng trong nhiệm kỳ vừa qua. Những lĩnh vực ông được phân công chỉ đạo đều là những lĩnh vực khó, dư luận theo dõi rất sát. Tuy nhiên, ông luôn có mặt ở những điểm nóng, gần gũi với nhân dân, có lối sống giản dị, được ĐBQH, người dân tin yêu, mến phục. Qua các phiên thảo luận ở QH tại kỳ họp này, chúng ta đã thấy rõ những khó khăn của đất nước trong nhiệm kỳ tới, cụ thể như bảo vệ chủ quyền quốc gia, sức ép nợ công, đặc biệt là “sức khỏe” cộng đồng doanh nghiệp... Tôi tin tưởng và kỳ vọng ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng với Chính phủ đề xuất, quyết định các chính sách có tính đột phá, hợp lòng dân, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, đưa đất nước tiến lên.
Ông Trần Xuân Vinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam:
Con người nghĩa tình, giản dị
Khi còn công tác ở Quảng Nam, cử tri đã đánh giá Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người rất năng động, sáng tạo, lăn lộn với công việc và đến từng bản làng, thôn xóm để nghe ý kiến của nhân dân rồi giải quyết kịp thời. Đối với cá nhân tôi có kỷ niệm và sự biết ơn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì tình cảm ông dành cho tôi và gia đình. Khi Quảng Nam mới tái lập tỉnh, nhiều đêm, anh em làm việc đến sáng, ăn chung, ngủ chung. Ông cũng nhiều lần bớt một phần lương của mình và đến tận nơi trao tặng người khiếm thị ở huyện Tam Kỳ, Hiệp Đức…; vận động xã hội góp tiền xây dựng mái ấm, nuôi dưỡng các cháu lang thang, cơ nhỡ.
Thế Dũng ghi
Bình luận (0)