Tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - nơi vừa xảy ra vụ tai nạn giữa tàu SE5 với xe tải khiến lái tàu tử vong và 3 người khác bị thương - có rất nhiều đường ngang giao cắt với đường sắt. Nhiều điểm không có rào chắn hay đèn tín hiệu tự động nên nguy cơ tai nạn rất cao. “Đoạn đường sắt này chạy song song, liền kề Quốc lộ 1, người đi đường cứ nhầm còi tàu với còi ô tô nên cứ băng qua mà không chịu quan sát, chưa kể nhiều người rất cẩu thả” - ông Huỳnh Ngọc Đề, nhà ở cạnh một điểm giao cắt, lo ngại.
Tai nạn liên tục
Với những người dân sống gần tuyến đường sắt qua huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nhiều điểm giao cắt được họ xem như “ngã tư tử thần”. Mới đầu năm 2015 này, tại đoạn đường sắt qua thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, ô tô 4 chỗ do ông Tô Đình Phú (ở thị trấn Vạn Giã) điều khiển băng ngang đường dân sinh thì bị tàu SE28 tông. Vụ tai nạn làm ông Phú trọng thương, 1 phụ nữ đi cùng chết tại chỗ.
Trước đó, sáng 25-8-2014, chị Lương Thị Hiệp (ngụ phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) chở con gái đến trường mẫu giáo. Khi đến điểm giao nhau với đường sắt, gặp đoàn tàu SE4 vừa đến nên chị cho xe máy dừng lại. Cô con gái hiếu kỳ liền nhảy khỏi xe mẹ, chạy đến xem và bị đoàn tàu cuốn đi 15 m, tử vong tại chỗ.
Nhìn cảnh chị Hiệp đổ gục bên thi thể biến dạng của con, nhiều người không cầm được nước mắt. “Đường này nhiều người qua lại nhưng không hiểu sao vẫn chưa được xây gác chắn. Nếu có gác chắn, cháu bé có thể đã không gặp nạn”- ông Huỳnh Đức Long - trưởng khu phố 5, phường Phú Thạnh - bức xúc.
Điểm giao cắt thiếu gác chắn còn gây ra hàng loạt cái chết cho người đi đường. Sáng 3-12-2013, anh Võ Duy Thanh (ngụ thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) chạy xe máy trên đường Trần Rịa (thị trấn Chí Thạnh), khi băng qua đường sắt thì bị đoàn tàu SE4 tông văng 10 m, tử vong tại chỗ. “Đường Trần Rịa là một trục phố chính ở thị trấn Chí Thạnh, cắt ngang đường sắt Bắc - Nam nhưng ngành đường sắt lại chỉ lắp đèn, còi báo tín hiệu mà không có gác chắn” - ông Trần Mạnh Tuấn, một người dân sống gần đó, cho biết.
Tại Thanh Hóa, tuyến đường sắt chạy qua khoảng 100 km nhưng có tới 117 đường ngang tự phát, mỗi năm cả chục người chết. Theo Công ty Đường sắt Thanh Hóa, từ năm 2014 đến nay, tỉnh này có tới 14 người chết và nhiều người bị thương do va chạm với tàu hỏa. Các vụ tai nạn chết người hầu hết do người dân thiếu ý thức, không chú ý quan sát khi băng qua đường sắt.
Ở Quảng Ngãi, một trong những nơi thường xuyên xảy ra tai nạn là điểm giao cắt đường sắt với đường dân sinh tại xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh. Dù mỗi ngày ở đây có hàng trăm lượt xe của người dân qua lại nhưng lại không có gác chắn, trong khi tuyến đường bị che khuất tầm nhìn. Vị trí này đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn thương tâm. Điển hình, ngày 17-11-2014, anh Lê Văn Cương (ngụ huyện Sơn Tịnh) điều khiển xe máy khi đến điểm giao cắt này đã bị tàu hỏa tông chết tại chỗ. Trước đó, tại điểm giao cắt ở xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, chiếc ô tô chở 7 người cố băng qua đường sắt đã bị tàu hỏa tông làm 3 người chết, 4 người trọng thương...
Bất chấp tính mạng
Tình trạng người đi đường bất chấp nguy cơ tai nạn, phớt lờ đèn tín hiệu, chuông báo và cả sự ngăn cản của các nhân viên gác chắn, liều lĩnh vượt qua đường sắt khi tàu hỏa đang đến gần diễn ra khá phổ biến. Trưa 15-7-2014, tại điểm giao cắt giữa đường Lê Hoàn với đường sắt Bắc - Nam thuộc thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, dù đèn cảnh báo có đoàn tàu sắp đi qua đã được bật nhưng anh Võ Văn Toàn (ngụ TP Quy Nhơn) vẫn cho xe 7 chỗ chạy sang. Đúng lúc đó, đoàn tàu lao đến húc ô tô văng hàng chục mét khiến 6 người trên xe bị thương nặng.
Nhiều người đã bất chấp nguy hiểm, cố vượt qua đường sắt để rồi gặp nạn. Cách đây chưa lâu, sáng 4-12-2014, tại đường dân sinh giao nhau với đường sắt ở xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, anh Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ địa phương) điều khiển ô tô lao thẳng vào đoàn tàu đang chạy qua. Chiếc ô tô bị hất văng 30 m làm 3 người bị thương. Tỉnh lại sau vụ tai nạn, tài xế Nghĩa giải thích: “Tôi không biết có tàu hỏa đang chạy qua”!
Tại Thanh Hóa, điểm giao cắt giữa đường sắt và Quốc lộ 1 vào xã Hoằng Lý, TP Thanh Hóa một thời gian dài là nỗi ám ảnh của người dân địa phương. Gần đây, ngành đường sắt đã lắp biển báo và cử người túc trực để hướng dẫn, cảnh báo người qua đường. Thế nhưng, do không có gác chắn nên nhiều người vẫn cố tình băng qua đường sắt khi đoàn tàu sắp lao tới.
“Có lần, tôi đang ngồi trong quán thì thấy 2 vợ chồng dắt xe đạp qua đường sắt. Lúc này, tàu hỏa đã chạy tới gần, tôi liền nhảy qua tủ kính bán hàng để hô hoán nhưng chỉ có chị vợ đi sau giật mình lùi lại nên thoát nạn, còn người chồng bị tàu tông chết tại chỗ” - ông Đàm Khắc Dinh, chủ một quán nước gần đó, nhớ lại.
Anh Lê Anh Tuấn - nhân viên phòng vệ đường ngang dân sinh ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa - băn khoăn: “Nhiều người thấy chúng tôi ra hiệu vẫn cố băng qua đường sắt. Ngày 23-8-2014, khi đoàn tàu 237T1 tới gần, tôi ra hiệu dừng phương tiện nhưng một chiếc taxi vẫn cố tình đâm thẳng vào tôi để băng qua. Chiếc taxi bị đoàn tàu tông văng cả chục mét, rất may tài xế chỉ bị thương nhẹ. Lần khác, khi tàu còn cách chỉ mấy chục mét, tôi thấy có chiếc ô tô chạy đến giữa điểm giao cắt thì đứng yên. Tôi liền lao ra lay tài xế, ông ta mới nhấn ga cho xe chạy qua. Khi dừng lại, ông ta bảo đang nghe điện thoại nên không biết có tàu tới!”.
Kỳ tới: Quản chặt đường ngang
Đếm không xuể đường ngang tự phát!
Theo Thanh tra Đường sắt Việt Nam, số đường ngang dân sinh qua đường sắt mà người dân tự mở trên tuyến Bắc - Nam không thể thống kê nổi.
Thời gian qua, Công ty TNHH MTV Quản lý Đường sắt Bình Trị Thiên đã rào chắn 105 đường ngang tự phát tại 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đoạn đường sắt từ Bình Định đến Khánh Hòa, theo Công ty TNHH MTV Quản lý Đường sắt Phú Khánh, cũng có đến 290 đường ngang do dân tự mở... Điều đáng nói là ở nhiều nơi, người dân lại tự phá bỏ rào chắn để làm lối đi. “Đường ngang dân sinh qua đường sắt, nhất là đường tự phát, thường xảy ra những vụ tai nạn thương tâm” - ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, lo ngại.
Bình luận (0)