Để bảo đảm an toàn cho công nhân khi đi qua đường sắt giao cắt với Quốc lộ 1, khoảng 10 năm nay, Nhà máy Bật lửa gas Trung Lai ở xã Nghi Liên, TP Vinh, tỉnh Nghệ An đã thuê ông Bùi Tiến Đông làm nhiệm vụ cảnh giới tàu với thù lao 1,5 triệu đồng/tháng. Không chỉ giúp công nhân an toàn, ông Đông còn cứu được nhiều người chủ quan băng qua đường ngang này trước khi tàu hỏa lao tới.
Tự nguyện làm... “barie sống”
Không được “chính danh” như ông Đông nhưng ở nhiều nơi, do từng chứng kiến và lo ngại tai nạn với tàu hỏa xảy ra, không ít người dân đã tự nguyện làm “barie sống” để ngăn chặn, cảnh báo người và phương tiện khi qua đường ngang.
Từ năm 2008, ông Nguyễn Văn Ca (SN 1942, ngụ phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã cùng em trai là ông Nguyễn Văn Đại thay phiên canh gác đường tàu tại khu vực cầu Nam Ô. Một lần chứng kiến cảnh em họ của mình bị tàu hỏa cuốn tử vong tại chỗ, ông đã cùng em trai tự nguyện gác chắn đường tàu không công để giúp người dân không còn gặp nguy hiểm khi băng qua đường ray.
Ông Nguyễn Văn Ca (trên) và bà Ngô Thị Hoa hằng ngày tự nguyện ra đường ngang cảnh giới tàu hỏa cho người qua lại
“Lúc đầu, anh em tôi đã đốn cây gỗ về làm gác chắn thủ công hoặc đứng ra cảnh báo mỗi khi tàu sắp đi qua. Sau này, UBND phường Hòa Hiệp Nam mới cho lập gác chắn dân sinh ở đây, mỗi tháng trợ cấp cho chúng tôi 500.000 đồng tiền trà nước” - ông Ca cho biết.
Năm 2013, khi ông Đại qua đời vì bệnh tật, ông Ca vẫn ngày đêm canh gác đường tàu. “Thấy tai nạn kinh hoàng quá, người chết toàn là trong xóm, trong làng nên mình bỏ công ra đây cũng như làm phước. Dù không công thì tôi vẫn làm việc này” - ông Ca khẳng định.
Nhà sát bên đường sắt, bà Ngô Thị Hoa (83 tuổi, ngụ thôn Tú Hội 2, xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) cho biết bà từng chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm ở điểm giao cắt với đường dân sinh. Nhiều năm nay, ngoài thời gian bán bánh mì ở chợ vào buổi sáng, cứ rảnh rỗi là bà lại bắc chiếc ghế nhựa trước nhà để canh tàu. Khi tàu đến, bà Hoa lại lao ra trước đường quan sát và cảnh báo cho người qua lại. “Từ 10 giờ trở đi là tôi ra ngồi canh tàu, riết rồi quen. Nói không ngoa chứ giờ ra, giờ vô của tàu qua đây, tôi nắm hết” - bà quả quyết.
Theo bà Hoa, trước đây, đoạn đường này bị khuất tầm nhìn, nhiều người cho rằng do vậy nên các vụ tai nạn thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, khi ngôi nhà công cộng được dời đi, cây cối được phát quang rồi mà tai nạn vẫn xảy ra thường xuyên. “Nhiều người đi qua đường sắt mà vô tư lắm! Tàu bóp còi inh ỏi nhưng họ vẫn cứ lao xe qua tự nhiên như không có chuyện chi cả. Năm ngoái, một thanh niên vừa chạy xe qua đường ngang vừa nghe điện thoại khi tàu đang lao tới. Tôi ở trong nhà chạy ra kêu khản cả giọng, anh ta mới nghe rồi bẻ lái lao xuống hố thoát chết” - bà Hoa nhớ lại.
Hình ảnh bà Hoa như một “barie sống” đã trở nên thân thuộc với người dân địa phương. Theo người dân thôn Tú Hội 2, nhờ bà mà các vụ tai nạn giao thông giảm hẳn, nhiều người thoát chết trong gang tấc.
“Chịu chết” vì... không tiền
Theo số liệu của ngành đường sắt, trên hàng ngàn km đường sắt Bắc - Nam có gần 5.800 điểm giao cắt với đường bộ, còn đường ngang tự phát thì không thể thống kê nổi. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vũ Đình Tuân, Phó Giám đốc Công ty Đường sắt Thanh Hóa, nhìn nhận đường ngang dân sinh, nhất là đường tự phát do người dân mở, càng nhiều thì càng tiềm ẩn mất an toàn giao thông.
“Nhiều đường ngang có nhân viên gác và barie nhưng người ta vẫn cố tình vượt qua khi tàu sắp tới. Ngày 23-1 vừa rồi, khi cán bộ công ty chúng tôi ra hiệu lệnh dừng một chiếc xe công nông lại để tàu đi qua, tài xế vẫn cố tình đâm thẳng vào cán bộ để sang đường. Chiếc xe bị đoàn tàu tông văng xuống sông gần đó làm 1 người bị thương. Đoàn tàu bị chậm chuyến tới 38 phút” - ông Tuân dẫn chứng.
Để góp phần phòng ngừa, kéo giảm tai nạn, ngành đường sắt ở Thanh Hóa đã tổ chức cắm nhiều biển báo ở đường ngang dân sinh, làm đường gom ở một số huyện. Tuy nhiên, nhiều người và phương tiện vẫn không chấp hành, cố băng qua đường sắt cho bằng được. Nhiều xe còn cố tình tông gãy gác chắn, lao thẳng vào nhân viên, khiến họ chỉ còn nước... bỏ chạy!
Ông Trương Khuê, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam, cho biết ngay sau khi vụ tai nạn tàu hỏa ở Quảng Trị xảy ra, ban đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng kiểm tra, rà soát tất cả đường ngang qua địa bàn. Theo kết quả kiểm tra, Quảng Nam có hàng trăm đường ngang mà người dân tự ý mở, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn.
“Nguồn quỹ của Ban An toàn giao thông không thể đảm đương được tất cả đường ngang nên chúng tôi sẽ làm trong chừng mực cho phép. Về lâu dài, chúng tôi sẽ đề nghị ngành đường sắt có hướng xử lý các đường ngang trái phép qua địa bàn, không thể để tràn lan như vậy được” - ông Khuê nói.
Trong khi đó, đại tá Nguyễn Phi Lương, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên, nhìn nhận giải pháp duy nhất để hạn chế tai nạn là phải làm đường gom dân sinh, tức gom các đường dân sinh trong khu vực để ra một chỗ có gác chắn. “Muốn làm việc này thì phải rào 2 bên đường sắt và làm đường gom các đường dân sinh lại. Tuy nhiên, ngành đường sắt bảo rằng không có tiền nên chịu thua thôi. Nói chung, giải pháp có hết, kiến nghị cũng có hết nhưng đến khi thực hiện lại không có tiền. Vậy là chịu chết!” - đại tá Lương trăn trở.
Quan trọng là ý thức người dân
Theo ông Phan Văn Thuyên, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh, việc nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông vẫn là điều quan trọng nhất. “Nhiều người có thể ngồi hàng giờ để ăn nhậu nhưng một vài phút chờ tàu lại cảm thấy lâu! Ý thức người tham gia giao thông kém là nguyên nhân chính xảy ra các tai nạn đáng tiếc. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí tu sửa, xây dựng các đường gom, rào chắn cũng khiến nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt luôn tiềm ẩn” - ông Thuyên nhận xét.
Bình luận (0)