Hay tin ông Lê Minh Phương ở Công ty CP Công nghệ giải trí Lạc Việt tử nạn trong vụ nổ chấn động này, những người biết ông không khỏi thốt lên: “Sinh nghề tử nghiệp”. Không chỉ sở hữu công ty gia đình này cùng vợ, ông còn là một chuyên gia tạo cảnh khói, lửa và tiếng nổ có tên tuổi trong giới điện ảnh.
Ông Phương chắc chắn biết rất rõ mối nguy hiểm của những vật liệu cháy, nổ mà khi ở phim trường còn phải để hẳn ở một nơi riêng biệt với tấm biển “không phận sự miễn vào” nhưng vẫn đưa về chính nơi không chỉ bản thân mà cả gia đình sinh sống, ngay khu phố đông đúc. Làm thế, phải chăng quá xem thường sự nguy hiểm của các vật liệu cháy, nổ?
Chính vì mối nguy hiểm của những vật liệu cháy, nổ nên việc sản xuất, mua bán, vận chuyển, cất giữ hay sử dụng chúng đã được pháp luật quy định cũng như quản lý nghiêm ngặt. Thuộc diện quản lý đặc biệt vậy mà tại sao các cơ quan có trách nhiệm ở địa phương lại để cho các thành viên gia đình Công ty CP Công nghệ giải trí Lạc Việt tàng trữ một số lượng rất lớn vật liệu cháy, nổ và đặc biệt có cả vũ khí quân dụng?
Việc những vật liệu cháy, nổ và vũ khí được tàng trữ này có giấy phép hay không đang được cơ quan điều tra xác minh. Bên cạnh đó, vấn đề là cơ quan quản lý có biết Công ty CP Công nghệ giải trí Lạc Việt tàng trữ chất cháy, nổ, vũ khí ngay tại khu dân cư hay không. Biết song có xử lý hay làm ngơ là điều cũng chắc chắn sẽ được làm rõ.
Song, bất luận trong trường hợp nào thì việc tàng trữ chất cháy, nổ khu vực dân cư là trái với pháp luật và cơ quan quản lý chuyên ngành ở địa phương không thể chối bỏ trách nhiệm. Để một khối lượng lớn chất cháy nổ, như vậy ở giữa khu dân cư trong thời gian dài thì có khác nào xem nhẹ tính an toàn của cư dân.
Không thể không gióng lên hồi chuông báo động và đặc biệt là làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để không cho những vụ việc “giỡn với tử thần” này lặp lại trong tương lai.
Bình luận (0)