xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giữ hồn biển đảo

Bài và ảnh: Phan Anh

Bằng nhiều cách khác nhau, họ đã thể hiện tình yêu Tổ quốc bằng những việc làm cụ thể để khẳng định chủ quyền tại Trường Sa và Hoàng Sa

Đến nhà của ông Mai Xuân Phú ở quận Bình Thạnh, TP HCM, chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng những tư liệu quý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa do gia đình ông cất giữ. Ông Phú cùng 2 chị là bà Mai Thị Phi và bà Mai Thị Phương vừa được Bộ Ngoại giao tặng bằng khen vì đã có công lưu giữ, hiến tặng nhà nước nhiều tài liệu phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bằng chứng thép về chủ quyền

Thấy chúng tôi lần xem 6 tấm ảnh đen trắng chụp các nhân viên khí tượng, trạm vô tuyến và gia đình trong thời gian sống và làm việc trên đảo Hoàng Sa, bà Phi hào hứng: “Đây là những tấm hình chụp lại thôi, bản chính chúng tôi đã hiến tặng Bộ Ngoại giao rồi. Còn có cái quý hơn nhiều”.

Vừa nói bà Phi vừa lấy cho chúng tôi xem giấy khai sinh của một người em, ghi rõ tên là Mai Kim Quy, con gái của nhân viên khí tượng Mai Xuân Tập và bà Nguyễn Thị Thắng, sinh lúc 15 giờ ngày 7-12-1939 tại đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc quần đảo Hoàng Sa; 2 người làm chứng là bác sĩ Nguyễn Tăng Chuẩn và trưởng trạm vô tuyến Đỗ Đức Mùi. Giấy khai sinh được đơn vị hành chính Pháp tại Nhóm Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa, bảo hộ Vương quốc An Nam cấp ngày 28-6-1940, do phái viên hành chính ký tên và đóng dấu đỏ xác nhận.

Bà Mai Thị Phi giới thiệu giấy khai sinh của người em gái được cấp ở Hoàng Sa vào năm 1939
Bà Mai Thị Phi giới thiệu giấy khai sinh của người em gái được cấp ở Hoàng Sa vào năm 1939

“Cha tôi thấy trên đảo Hoàng Sa có rất nhiều rùa biển nên đặt tên con gái là Kim Quy để ghi nhớ. Đau lòng là sau khi về đất liền, năm lên 2 tuổi, em tôi đã mất tại Phú Thọ. Bác sĩ Chuẩn sau khi về đất liền, chúng tôi không liên lạc được nên không biết nay còn sống hay đã mất. Ông Mùi thì năm 1957-1958 sống tại TP Hải Phòng nhưng gia đình tôi cũng không liên lạc được” - bà Phi kể.

Sau mấy mươi năm lưu giữ, tháng 8-2013, gia đình ông Phú quyết định hiến tặng những kỷ vật quý báu trong quãng thời gian cùng cha mẹ sinh sống ở quần đảo Hoàng Sa cho Bộ Ngoại giao. Theo ông Phú, gia đình có giữ lại cũng chỉ là kỷ niệm, hiến tặng nhà nước mới thấy được giá trị.

Đánh giá về tư liệu này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải khẳng định: “Đây là chứng cứ khẳng định các hoạt động quản lý hành chính, dân sự mà chính quyền Pháp ở Đông Dương đã triển khai ở quần đảo Hoàng Sa từ những năm 1930. Chúng vô cùng quý giá trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này”.

Mới đây, ông Lê Hoan Hưng ở quận Gò Vấp, TP HCM cũng đã hiến tặng nhà nước cuốn Biên niên khí tượng Đông Dương (Annales du Service Météorologique de l’indochine) năm 1940, do toàn quyền Đông Dương xuất bản tại Hà Nội vào năm 1942. Ngoài ra, trong 10 năm qua, ông Hưng còn sưu tầm được 100 tư liệu quý về Hoàng Sa, Trường Sa.

“Sợ bán cho Trung Quốc”

“Cuối tháng 7-2012, khi đọc tin về TS Mai Hồng, nguyên Trưởng Phòng Tư liệu thư viện Viện Hán Nôm, tặng bản đồ nhà Thanh năm 1904 không có Hoàng Sa - Trường Sa cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, lúc đó tôi đang ngồi bên máy tính đã tình cờ thấy một số bản đồ của các nước phương Tây cũng giống như vậy” - ông Trần Thắng, Việt kiều Mỹ, mở đầu câu chuyện về hành trình tìm bộ sưu tập bản đồ của mình.

Nhận thấy trong nước đã có bản đồ của Việt Nam và nhà Thanh - Trung Quốc mà chưa có nhiều bản đồ của các nước phương Tây, ông Thắng quyết tâm bổ sung cho kho tư liệu về Hoàng Sa - Trường Sa. Ông đã đi đến 7 quốc gia trên thế giới là Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ và Nga để sưu tầm.

Tâm sự về chuyến đi đáng nhớ nhất khi tìm cuốn Atlas do Bộ Giao thông Trung Quốc ấn hành năm 1919, ông Thắng cho biết bà chủ người Ba Lan ra giá 10.000 USD. Khi ông thắc mắc giá đắt quá, bà liền dọa: “Nếu không mua, tôi sẽ bán cho Trung Quốc”. Thế là ông năn nỉ bà cho thêm thời gian để kiếm tiền. Cuối cùng, ông cũng mua được cuốn Atlas với giá 5.000 USD.

“5.000 USD là số tiền lớn với một người làm việc chỉ đủ sống như tôi. Tuy vậy, số tiền đó không thể so sánh được với vấn đề lớn của đất nước như Hoàng Sa - Trường Sa” - ông Thắng thổ lộ. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã tập hợp được 150 bản đồ về Hoàng Sa - Trường Sa từ năm 1618 đến 2008 của hơn 100 nhà xuất bản. Trong đó, có 80 bản đồ về lãnh thổ Trung Quốc mà giới hạn cực Nam là đảo Hải Nam, 50 bản đồ Hoàng Sa nằm sát Việt Nam, 20 bản đồ về châu Á tổng thể và đường hàng hải.

Vừa qua, bộ sưu tập bản đồ của ông Thắng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông triển lãm tại Hà Nội, TP HCM, một lần nữa khẳng định giá trị của nó.

Đó là lòng yêu nước

Theo ông Trần Duy Hải, việc người dân, kiều bào chủ động liên hệ và trao tặng nhà nước tài liệu quý để phục vụ công tác đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông là rất đáng trân trọng; qua đó thể hiện trách nhiệm cũng như tình yêu quê hương, đất nước của công dân.

“Mong rằng thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục được nhân dân ở trong nước cũng như bà con đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam; cùng các cơ quan nhà nước thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền liêng thiêng của Tổ quốc” - ông Hải kỳ vọng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo