Đầu năm 2009, công trình cầu Rạch Miễu sẽ được khánh thành đưa vào sử dụng. Cùng lúc, bến phà Rạch Miễu (với khoảng cách vượt sông lớn nhất ĐBSCL) cũng hoàn thành sứ mệnh lịch sử trăm năm đưa đón khách và vận tải hàng hóa.
Dự phòng và phục vụ du lịch
Những ngày qua, người dân qua lại phà Rạch Miễu tỏ vẻ tiếc nuối trước thông tin râm ran về việc giải tỏa toàn bộ cơ sở vật chất của bến phà này, giao mặt bằng cho hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre quản lý, sử dụng. Đầu bến phía Tiền Giang sẽ được trưng dụng giao cho TP Mỹ Tho làm chợ đầu mối nông sản...
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Thanh Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết trước đó tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải xin lại mặt bằng để làm chợ nông sản. Tuy nhiên, tỉnh cũng đề nghị giữ lại một phần cơ sở vật chất của bến phà hiện hữu phục vụ cho lợi ích chung khi cần... “Tương tự như bến phà Mỹ Thuận, khi có cầu Mỹ Thuận, phà vẫn được phép tồn tại với quy mô thu hẹp” - ông Trung nói.
Cuối tháng 6-2008, tương tự Tiền Giang, tỉnh Bến Tre cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải xin giữ lại bến phà. Theo phương án, tỉnh kiến nghị được giữ nguyên hai cầu dẫn Eiffel 3NES cùng toàn bộ hệ thống nhà điều hành, nhà chờ..., hai phà 100 tấn hoặc hai phà 60 tấn và 20 công nhân viên.
Ông Nguyễn Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre giải thích: Việc xin giữ lại bến phà nhằm phục vụ an ninh quốc phòng và dự phòng sự cố, đảm bảo giao thông trên tuyến quốc lộ 60. Phà Rạch Miễu tồn tại còn đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của khách du lịch đến tham quan hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre.
Đến cuối tháng 12, thông tin về việc “sống còn” của bến phà Rạch Miễu vẫn chưa được Bộ Giao thông Vận tải chính thức quyết định. Văn bản đề nghị của UBND tỉnh Bến Tre chỉ được cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam hồi đáp vào đầu tháng 7 với ý kiến đề nghị Bộ: “Chuyển đoạn tuyến quốc lộ 60 cũ (bao gồm cả bến phà) thành đường địa phương, bàn giao cho hai tỉnh quản lý và khai thác sử dụng bằng nguồn kinh phí địa phương...”.
Phà Việt Đan sẽ về đâu?
Chủ trương của Cục Đường bộ đồng ý cho UBND tỉnh Bến Tre điều toàn bộ phương tiện vượt sông gồm:14 phà 100 tấn, hai phà 60 tấn về các bến phà khác trong tỉnh để khai thác. Trong số này có bốn phà 100 tấn Việt Đan do Đan Mạch tài trợ kinh phí không hoàn lại.
Theo quy định, các bến tiếp nhận loại phà tài trợ này phải hoàn trả nợ gốc và lãi mỗi năm gần 450 triệu đồng trong vòng 15 năm. Số tiền trên được góp vào dự án Quỹ phát triển phà tại các tỉnh ĐBSCL. Với khoản kinh phí đóng góp vừa nêu, chỉ những bến phà đạt doanh thu lớn mới có khả năng hoàn trả vốn, lãi hằng năm.
Về thực lực chung, ngoài hai bến phà Cần Thơ và Rạch Miễu, nhiều bến phà khác tại Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp... đều không đủ doanh thu để góp vào dự án quỹ phà. Vì thế, không ban điều hành bến phà nào ở ĐBSCL có thể dễ dàng tiếp nhận phà Việt Đan.
Doanh thu mỗi năm của bến phà Rạch Miễu luôn tăng. Năm 2005: 58,3 tỷ đồng; năm 2006: 63,6 tỷ đồng; năm 2007: 73,3 tỷ đồng; năm 2008: ước khoảng 90 tỷ đồng. Nhờ doanh thu khá lớn, bến phà Rạch Miễu mới có thể tiếp nhận cùng lúc bốn phà Việt Đan - mỗi năm đóng góp vào dự án quỹ phà gần 1,8 tỷ đồng. |
Bình luận (0)