“Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc”. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định như vậy tại phiên thảo luận các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII (Đại hội XII) ngày 22-1.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền
Trình bày tham luận, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng 5 năm qua, tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Cùng với đó là những diễn biến phức tạp ở biển Đông… Dù vậy, quân đội đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, nhà nước và nhân dân.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, thành tựu bao trùm và quan trọng nhất của quân đội trong 5 năm qua là chủ động phối hợp với các lực lượng xử lý hiệu quả các tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Về kết quả xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết đã ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng. Bên cạnh đó nghiên cứu, chế tạo và làm chủ công nghệ sản xuất một số loại vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật.
Đề cập tới 4 nhiệm vụ, giải pháp chính mà quân đội tập trung thực hiện trong những năm tới, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Thứ nhất, quân đội tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định phát triển đất nước nhanh, bền vững. Thứ hai, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ. Thứ tư, tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ quân đội. “Dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng gắn liền với bảo vệ Tổ quốc là quy luật tồn tại và phát triển của đất nước. Xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngay trong thời bình là kế sách lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy” - Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.
Không để xảy ra khủng bố
Trình bày tham luận “Đổi mới toàn diện công tác Công an đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước”, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định lực lượng Công an Nhân dân đã hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; giữ vững thế chủ động chiến lược, không để xảy ra khủng bố, phá hoại; không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa.
Cho rằng cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm kinh tế, tham nhũng, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tệ nạn xã hội sẽ vẫn là mặt trận nóng bỏng thời gian tới, Đại tướng Trần Đại Quang nêu ra 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, tiếp tục đổi mới các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các mối đe dọa an ninh, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để hình thành, công khai tổ chức chính trị đối lập trong nội địa; tập trung bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các sự kiện trọng đại của đất nước; giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra khủng bố, phá hoại, bạo loạn.
Đổi mới công tác tuyên giáo
Với tham luận “Tiếp tục đổi mới công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh cho biết thời gian tới, hệ thống tuyên giáo các cấp phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động gắn với tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng. Phải gắn kết thường xuyên, chặt chẽ công tác tuyên giáo với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết từ sớm, từ gốc những vấn đề có thể nảy sinh những bức xúc về tư tưởng; kiên quyết đấu tranh phản bác, làm thất bại cuộc tiến công tư tưởng của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.
Bình luận (0)