Mỗi khi có một vụ bạo hành nào đó bị phanh phui thì xã hội, công luận lại phẫn nộ, đòi hỏi xử lý thật nghiêm người vi phạm, đồng thời làm rõ trách nhiệm của ngành giáo dục và chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người vi phạm đã bị bắt giam; các nhà trẻ liên quan bị đóng cửa. Ngành chức năng và chính quyền địa phương tuyên bố nghiêm túc rút kinh nghiệm và cam kết sẽ siết chặt việc quản lý, kiểm soát để tránh tái diễn vụ việc tương tự về sau.
Có điều, ai cũng hiểu, chẳng có nhà chức trách nào có đủ nhân lực để bảo đảm việc theo dõi thường xuyên hoạt động trông giữ ở tất cả các nhà trẻ. Điều đó có nghĩa là nếu chỉ dựa vào sức người thì chắc chắn không thể quán xuyến việc giám sát sinh hoạt ở các nơi trông giữ trẻ. Rồi sẽ có những vụ bạo hành khác, xã hội lại bức xúc và nhà chức trách lại vào cuộc…
Trong khi đó, trẻ nhỏ tuổi mầm non không chỉ không có khả năng tự bảo vệ mà còn không khả năng tường thuật, mô tả những gì xảy ra đối với mình. Được đưa vào nơi trông giữ trẻ, số phận của các cháu hoàn toàn lệ thuộc vào người đảm nhận vai trò trông giữ. Nếu được gặp bảo mẫu vui vẻ, yêu đời thì các cháu được vui lây; còn bảo mẫu mà buồn bực, giận dữ thì các cháu có nguy cơ trở thành đối tượng trút giận.
Ở các nước tiên tiến, nhà chức trách, xã hội đòi hỏi tất cả các nơi trông giữ trẻ đều phải lắp đặt thiết bị ghi hình cho phép ghi nhận toàn bộ công việc trông giữ. Các thiết bị này có thể được coi là phương tiện trợ lực, bù đắp sự khiếm khuyết tự nhiên của trẻ nhỏ về năng lực truyền đạt thông tin. Thay thế lời tường thuật của con người, thiết bị ghi nhận mọi cử chỉ của người trông giữ trong quá trình giao tiếp với trẻ. Dưới sự theo dõi thường xuyên của máy móc, người trông giữ không có điều kiện thực hiện các hành vi phi chuẩn mực đối với trẻ mà không phải đối mặt với nguy cơ bị chế tài, xử phạt nghiêm khắc.
Có ý kiến cho rằng đất nước còn nghèo, nhà nước, xã hội không thể đầu tư một cách thỏa đáng cho hệ thống giáo dục mầm non. Tuy nhiên, cần thấy rằng trẻ nhỏ ở tuổi mầm non không chỉ là người thực sự yếu thế trong giao tiếp xã hội mà còn là chủ nhân tương lai của đất nước. Bởi vậy, dù đất nước nghèo hay giàu, nhà nước cần phải ưu tiên đầu tư cho hệ thống giáo dục mầm non và phải dành riêng một khoản kinh phí thỏa đáng cho lĩnh vực này.
Cụ thể, các cơ sở trông giữ trẻ, dù của nhà nước hay tư nhân, đều phải được tài trợ để trang bị các phương tiện cần thiết cho việc bảo đảm sự chăm sóc đối với trẻ nhỏ được thực hiện trong những điều kiện tốt nhất có thể. Trẻ nhỏ thuộc các gia đình có thu nhập thấp vẫn được tiếp nhận vào các cơ sở trông giữ trẻ đạt chuẩn trong khuôn khổ chính sách an sinh xã hội. Được hưởng sự chăm sóc, giáo dục tốt, trẻ có điều kiện phát triển, hoàn thiện về mọi phương diện và khi trưởng thành sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nước nhà.
Bình luận (0)