Cứ đến mùa mưa lũ, người dân các thôn Xuân Ngọc, Hòn Nghê 1 và Hòn Nghê 2, xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang lại lo bị rơi xuống nước khi qua cầu gỗ Phú Kiểng bắc qua sông Cái nối với 5 thôn khác của các xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Trung và phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang.
Đã có người thiệt mạng
Trước đây, người dân các thôn Xuân Ngọc, Hòn Nghê 1 và Hòn Nghê 2 muốn vào TP Nha Trang phải dùng ghe, thuyền nhỏ qua sông lớn nên rất nguy hiểm. Năm 2001, chính quyền địa phương vận động một người đầu tư làm cầu Phú Kiểng để người dân qua lại và thu phí. Cầu được làm bằng gỗ khá đơn giản, lan can là những trụ gỗ nhỏ được chằng chống sơ sài.
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa (khoảng tháng 10-12) là cầu Phú Kiểng bị nước lũ cuốn trôi hoặc phải dỡ đưa lên bờ. Khi đó, hàng ngàn hộ dân muốn qua bên kia sông phải đi vòng hơn 15 km.
Theo ông Nguyễn Hồng Phi, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, tuy chưa thống kê đầy đủ nhưng riêng năm 2013, đã có 2 trường hợp thiệt mạng tại cây cầu này. Cuối tháng 4-2013, khi qua cầu, anh Nguyễn Duy An (23 tuổi, ngụ TP Nha Trang) rớt xuống sông chết đuối. Bà Huỳnh Thị Mai Lệ (thôn Xuân Ngọc, nhà ở đầu cầu Phú Kiểng) cho biết cách vụ tai nạn của anh An ít ngày, khi qua cầu, 2 thanh niên đi xe máy va quệt nhau làm 1 người rớt xuống sông tử vong. Việc xe va quệt nhau trên cầu xảy ra hằng ngày, nhất vào ban đêm, nhiều người bị rơi xuống sông nhưng may nhờ người dân cứu kịp thời.
Cầu Ngọc Thảo (phường Ngọc Hiệp) cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. Cầu này nằm trên con đường duy nhất nối gần 3.000 hộ dân ở cồn Ngọc Thảo với bên ngoài. Hơn 10 năm trước, chiếc cầu gỗ ở đây bị nước lũ cuốn trôi, người dân góp tiền để xây cầu bê-tông. Đến nay, qua nhiều năm sử dụng, trụ cầu đã hư hỏng, sụt lún khiến bê-tông mặt cầu bong tróc, thành cầu vênh… rất nguy hiểm cho người qua lại. Vì thế, chính quyền địa phương đã cấm ô tô qua cầu này. Vào mùa lũ, nước sông ngập 2 đầu cầu, nếu qua cầu không cẩn thận rất dễ bị nước cuốn xuống sông. Ông Lưu Đức Trọng - tổ trưởng tổ dân phố 13, phường Ngọc Hiệp - cho biết: “Mỗi khi xe ba gác chở hàng chạy qua, cầu rung lên bần bật. Do trụ quá yếu, cầu có thể sập bất cứ lúc nào. Nếu cầu sập, hàng ngàn hộ dân sẽ bị cô lập, đường ống dẫn nước, điện qua cầu cũng đứt luôn”.
Hàng ngàn lượt người qua lại mỗi ngày
Trước việc cầu Phú Kiểng quá yếu, UBND xã Vĩnh Ngọc đã yêu cầu chủ cầu gia cố các thanh gỗ hư hỏng; cử lực lượng dân quân canh gác, nếu thấy nguy hiểm thì không cho người qua cầu. Tuy nhiên, mỗi ngày có hàng ngàn lượt người qua cây cầu này, hiểm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. “Người dân mong muốn có cây cầu kiên cố. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng chỉ mới được đồng ý về chủ trương. Sở Giao thông Vận tải cũng đã thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa bố trí vốn cho dự án. UBND xã đã khảo sát địa điểm xây cầu, vận động người dân bàn giao mặt bằng, nay chỉ còn chờ các cơ quan chức năng thực hiện” - ông Nguyễn Hồng Phi cho biết.
Theo ông Lê Tiến Vĩnh, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang, cơ quan này vừa hoàn thành phương án sửa chữa cầu Ngọc Thảo. Theo đó, thay thế 3 trụ, dầm cầu, mặt cầu ở nhịp giữa. Dự kiến, kinh phí sửa chữa khoảng 700 triệu đồng từ ngân sách của thành phố. Tuy nhiên, việc sửa chữa chỉ tạm thời bởi cầu đã hư hỏng quá nhiều, cần phải xây mới.
Trong cuộc làm việc với UBND xã Vĩnh Ngọc mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, đề nghị UBND TP Nha Trang khẩn trương hoàn thành thiết kế báo cáo kỹ thuật dự án xây dựng cầu Phú Kiểng.
Bình luận (0)