Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có số lượng người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhiều nhất nước. Tính từ năm 2010-2015, toàn tỉnh có khoảng 5.000 người ra nước ngoài. Nhiều gia đình nhờ có con em đi XKLĐ đã thoát được nghèo đói…
Điểm sáng
Xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi được đánh giá là địa phương có phong trào XKLĐ khá mạnh. Trong năm 2015, xã có gần 20 người tham gia XKLĐ. Nhiều người sau khi trở về đã xây dựng nhà cửa khang trang, có vốn làm ăn.
Ông Phạm Văn Thanh (ngụ xã Ba Vì) cho biết căn nhà của gia đình ông vừa được xây từ thu nhập của con trai làm việc ở Malaysia. “Năm đầu tiên, nó gửi về 50 triệu đồng; năm thứ hai và thứ ba gửi thêm 200 triệu đồng... Nhà xây xong, tôi mua thêm máy xay lúa, còn dư 50 triệu đồng gửi vào ngân hàng, hằng tháng lấy lãi để chi tiêu” - ông Thanh khoe. Ông Phạm Văn Nót, cán bộ UBND xã Ba Vì, cho hay cuộc sống của người dân trong xã, nhất là đồng bào dân tộc H’re, khác hẳn 10 năm trước. Không những thoát cảnh nghèo đói, nhiều gia đình còn xây được nhà, có tiền gửi ngân hàng, làm kinh tế gia đình.
Ở nhiều xã, huyện khác tại Quảng Ngãi, cuộc sống của những gia đình có con em đi XKLĐ thay đổi tốt hơn. Ông Võ Năm - Trưởng thôn 1, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa - hồ hởi: “Gần 100 hộ trong thôn thì hơn phân nửa có con em đi XKLĐ, chủ yếu sang Hàn Quốc. Nhiều gia đình có 3-4 người xuất ngoại làm ăn, tích lũy nhiều vốn liếng, mở cơ sở sản xuất, tạo thêm việc làm cho người khác”.
Theo ông Vũ Minh Xuyên, Tổng Giám đốc Công ty Sovilaco, phong trào XKLĐ ở Quảng Ngãi phát triển, đời sống người dân được cải thiện là nhờ chính quyền các cấp vào cuộc, chủ động phối hợp với doanh nghiệp (DN) XKLĐ trong tuyên truyền, tuyển dụng; thậm chí lo cả việc con em lao động địa phương làm việc ở nước ngoài.
Trong 3 năm qua, tỉnh Đồng Tháp cũng đã huy động cả hệ thống chính trị cùng chăm lo việc làm cho người lao động (NLĐ). Các DN XKLĐ có uy tín được mời về tuyển chọn lao động. Chính quyền địa phương 12 huyện, thị xã, TP trong tỉnh tập trung vận động, hỗ trợ vốn vay cho con em địa phương ra nước ngoài. Nhờ cách làm này, Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu các tỉnh ĐBSCL về phong trào XKLĐ với gần 1.000 người xuất ngoại trong năm 2015.
Cách làm của Quảng Ngãi, Đồng Tháp hay một số địa phương khác trên thực tế được nhân rộng từ mô hình chính quyền giúp dân thoát nghèo của xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP HCM - điểm sáng trong phong trào XKLĐ của cả nước. Nhờ mô hình này, từ 23% hộ nghèo (550 hộ) vào năm 1992, đến nay xã Thái Mỹ không còn hộ nghèo; bộ mặt nông thôn, đường sá, nhà cửa ở xã thay đổi hoàn toàn; NLĐ trở về có việc làm tốt, thoát nghèo bền vững.
Gắn chính quyền với doanh nghiệp
Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm cả nước có trên 100.000 lao động ra nước ngoài làm việc. XKLĐ đang đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế với nguồn thu ngoại tệ khoảng 2 tỉ USD/năm (tính theo thu nhập tích lũy của NLĐ gửi về nước). Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho rằng để XKLĐ thực sự là con đường giúp dân thoát nghèo bền vững, hạn chế thấp nhất rủi ro mất việc làm, bị lừa đảo như thời gian qua, cần phải thay đổi cách làm, gắn cho được trách nhiệm của DN với chính quyền địa phương các cấp trong tuyển chọn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho NLĐ.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế, những năm tới, lao động Việt Nam di cư ra nước ngoài sẽ tăng mạnh. Để bảo đảm an toàn và tạo ra việc làm bền vững cũng như đóng góp của lao động di cư đối với kinh tế đất nước thì họ phải được tiếp cận đầy đủ thông tin về luật pháp nước đến làm việc, nhận diện các rủi ro để phòng tránh. Nếu sử dụng kênh di cư chính thống, hợp pháp thì NLĐ được bảo vệ tốt hơn. Tại báo cáo về di cư lao động mới đây, Tổ chức Lao động quốc tế khuyến nghị cùng với việc gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong tuyên truyền, phổ biến thông tin, cần mở rộng kênh chính thống thông qua việc cấp phép cho DN và có biện pháp buộc họ công khai, minh bạch trong tuyển dụng.
Cái khó là hiện nay đa phần trong số 247 DN “bắt tay” với cá nhân, tổ chức ngoài luồng, mập mờ tuyển dụng, thu phí. Một số DN còn “bán giấy phép”, lập ra nhiều chi nhánh nhưng không kiểm soát hoạt động. Các vụ vi phạm, lừa đảo xảy ra vừa qua mà điển hình như vụ 156 lao động bị Vietcom Human cho sang Nhật bằng “tàu bay giấy” đã làm mất lòng tin của NLĐ.
Đây cũng là lý do giải thích vì sao “cò” XKLĐ vẫn có đất sống và ở nhiều vùng quê, bên cạnh người thành công, giàu lên nhờ XKLĐ thì cũng không ít người tán gia bại sản.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-3
Ông Phạm Anh Thắng, Phó trưởng Văn phòng đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phía Nam:
Phải chấn chỉnh DN XKLĐ
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tập trung chấn chỉnh các thị trường, chỉ đạo DN thực hiện nghiêm các quy định về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, tình trạng DN tuyển dụng qua trung gian, không công khai điều kiện tuyển dụng, chi phí, gây khó khăn và trở ngại cho NLĐ khi tham gia XKLĐ qua đường chính thống còn khá phổ biến.
Bên cạnh chấn chỉnh hoạt động của DN, cũng cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các tỉnh, thành phải lập ban chỉ đạo về XKLĐ để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, ban này chỉ lập cho có. Kinh nghiệm cho thấy ở đâu chính quyền làm tốt thì ở đó NLĐ được hưởng lợi, XKLĐ tốt lên, lừa đảo bớt đi.
Bình luận (0)