Như Báo Người Lao Động ngày 7-1 đã thông tin, trong lúc Bộ Y tế không nhận trách nhiệm về việc đã tuyên bố sữa của một số doanh nghiệp có melamine dẫn đến doanh nghiệp không nhập sữa tươi thì nhiều hộ nông dân ở Vĩnh Phúc lâm vào cảnh khốn khó, chỉ còn cách đi kiện đòi bồi thường nếu không sẽ cầm chắc... phá sản.
Sẽ kiến nghị hỗ trợ nông dân
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 7-1, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) Hoàng Kim Giao cho biết trong tuần này, Cục Chăn nuôi sẽ có văn bản yêu cầu các địa phương hỗ trợ nông dân. Theo đó, tùy theo từng địa phương sẽ có hỗ trợ thêm cho người chăn nuôi 1.000 đồng/lít sữa vào giá bán theo thị trường. Cụ thể, sẽ hỗ trợ thu mua sữa cho nông dân ở Hà Nội và Vĩnh Phúc. Việc giá sữa bò giảm là do giá thế giới giảm và nhu cầu tiêu thụ cũng giảm do khó khăn kinh tế. Cục Chăn nuôi cũng liên hệ với các công ty sữa và đề nghị các địa phương chủ động liên hệ các công ty sữa thu mua cho dân.
Mặt khác, Cục Chăn nuôi sẽ tham khảo ý kiến các địa phương, cơ quan liên quan để hỗ trợ người chăn nuôi giữ đàn bò sữa. Dự kiến có thể hỗ trợ 1-2 triệu đồng/con bê cái dưới 1 tuổi. Ngoài ra, sẽ kiến nghị Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng cho các hộ đã vay vốn nuôi bò sữa.
Chờ chủ trương từ Trung ương?
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho hay, sở vẫn chưa có kiến nghị TP về phương án hỗ trợ bà con nông dân bị thiệt hại do sữa chưa bán được, mặc dù người chăn nuôi đã có ý kiến. Hiện chỉ đốc thúc việc thu mua sữa cho nông dân và tăng cường các trạm thu gom. Hiện Hà Nội cơ bản đã thu mua được hết sữa cho bà con. Trừ các hộ nông dân chăn nuôi bò sữa ở xã Phù Đồng (Gia Lâm, Hà Nội) là còn khó khăn. Lý do là trạm thu mua ở xã Phù Đồng trước đó hợp đồng bán cho Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) 2,5 tấn sữa/ngày nhưng hiện chỉ bán được 1,2 tấn. Về việc giá thu mua sữa giảm xuống 6.400-6.800 đồng/lít, trước đó là 7.500-8.000 đồng/lít, ngoài nguyên nhân do giá thị trường xuống thì giá thức ăn cũng đã giảm xuống 15%.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Chúc cho hay đã liên hệ với Hanoimilk và Công ty Cổ phần Sữa quốc tế tiêu thụ sữa cho dân. Về việc khi giá sữa cao, nông dân mắc sự cố melamine nên không bán được, nhưng bây giờ giá sữa tụt xuống, nông dân lại cũng vẫn chịu thiệt thòi, ông Chúc nói việc này phải chờ chủ trương hỗ trợ lâu dài từ Trung ương.
Hội Nông dân VN đang tập hợp bằng chứng Chiều 7-1, ông Lều Phú Điều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân VN, cho hay đã yêu cầu các chi hội ở Vĩnh Phúc và Hà Nội tập hợp các kiến nghị của bà con nông dân thiệt hại. Trong trường hợp bà con nông dân quyết kiện Bộ Y tế ra tòa, Hội Nông dân VN sẽ chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ pháp lý thuộc hội rà soát lại cơ sở pháp lý để tránh sai sót. Ông Điều nói: “Quan điểm của Hội Nông dân VN là bảo vệ quyền lợi của nông dân và ai làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hiện Hội Nông dân VN đang tập hợp bằng chứng và cơ sở pháp lý sau đó mới có ý kiến chính thức với Bộ Y tế. Về phía hội đã có ý kiến nhiều lần đối với những phát ngôn bất lợi với nông dân như chuyện bưởi, mắm tôm, nay lại là sữa. Về lâu dài cần có những ràng buộc đền bù tài chính để tránh những thiệt hại đáng tiếc cho nông dân”. T.Dũng |
Luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư Hà Nội): Nông dân nên khởi kiện trực tiếp Hanoimilk Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào ngày 7-1, luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư Hà Nội), phân tích đối với phát ngôn của Bộ Y tế, nông dân có thể khởi kiện căn cứ vào quy định về “Bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra” (Bộ Luật Dân sự); các quy định của Luật Báo chí: “Cơ quan báo chí, nhà báo, tổ chức, cá nhân thông tin gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự”.
Tuy nhiên, việc khởi kiện Bộ Y tế cũng có thể chưa hoàn toàn chính xác. Việc xem xét bị đơn phụ thuộc vào hợp đồng mua bán giữa bà con nông dân với doanh nghiệp thu mua sữa, cũng như quá trình thương lượng giải quyết giữa hai bên. Kinh nghiệm cho thấy, do thiếu trợ giúp pháp lý, từ trước đến nay, trong những vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại kiểu này nông dân luôn nhận phần thua thiệt nhất, bị “hớ” trong các hợp đồng kinh tế. Nếu có tư vấn pháp lý ngay trước khi kết hợp làm ăn, doanh nghiệp và nông dân đã phải ký hợp đồng hai chiều. Bản hợp đồng phải lường trước những trường hợp rủi ro, với những điều khoản đóng và những điều khoản mở. Điều khoản đóng quy định những quyền và nghĩa vụ các bên buộc phải thực hiện, còn điều khoản mở quy định về những khả năng có thể xảy ra và hướng giải quyết giữa hai bên. Tối thiểu, hợp đồng cũng phải nêu rõ các điều khoản ràng buộc, trong đó có quy định về khung giá, việc tiêu thụ sản phẩm... và ít nhất, doanh nghiệp phải ứng trước 20% cho nông dân. Theo ông Đăng, để theo đuổi vụ kiện, nông dân phải có sự chuẩn bị kỹ càng, thu thập tất cả chứng cứ liên quan, kể cả ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nông dân nên khởi kiện trực tiếp Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) – doanh nghiệp lâu nay vẫn trực tiếp thu mua sữa của họ để yêu cầu bồi thường do họ không thu mua sản phẩm. Từ đó, theo yêu cầu của tòa án, Hanoimilk sẽ phải trình ra những chứng lý liên quan (như các lý do khiến họ không thu mua sữa, những thiệt hại của họ...). Tòa án sẽ có phán quyết quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan. Trong đó, trách nhiệm của Bộ Y tế đến đâu sẽ được làm rõ. Luật sư Hà Đăng cũng khẳng định, ông sẵn sàng nhận trợ giúp pháp lý miễn phí, bảo vệ lợi ích trong toàn bộ quá trình tố tụng dân sự cho các hộ nuôi bò sữa ở Vĩnh Phúc. M.An |
Bình luận (0)