Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định CSGT trên cả nước đang thực hiện thu tiền phạt trực tiếp và giao lại biên lai cho người vi phạm - Ảnh: Tấn Thạnh
Trả lời Báo Người Lao Động chiều 18-2, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67)- Bộ Công an, cho biết Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013) quy định người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có thể nộp tiền phạt dưới 3 hình thức: nộp phạt thông qua kho bạc nhà nước, nộp qua tài khoản ngân hàng và nộp tiền trực tiếp cho lực lượng ra quyết định xử phạt với những lỗi vi phạm có mức tiền phạt dưới 250 nghìn đồng với cá nhân và 500 nghìn đồng đối với tổ chức.
“Chúng tôi rút dự thảo xuống để chỉnh sửa, bổ sung cho hoàn chỉnh thôi”- ông Tuấn nói.
Ông Tuấn khẳng định thông tư trên chỉ nhằm hướng dẫn thực hiện một số nội dung vướng mắc khi thực hiện xử phạt theo Nghị định 171 của Chính phủ. “Hiện tại lực lượng CSGT trên cả nước vẫn đang tiến hành xử phạt tại chỗ theo đúng quy định tại Nghị định 171. Chỉ có địa phương nào có vướng mắc thì chúng tôi mới hướng dẫn mà thôi”- ông Tuấn nói.
Trước đó, Báo Người Lao Động đã phản ánh về nội dung dự thảo lần 1 thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 171, trong đó cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm có thể nộp thẳng tiền phạt cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền. Việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định tại chương 3 của Thông tư 153/2013 do Bộ Tài chính ban hành - quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Nghị định 171, các lỗi vi phạm có mức phạt tiền nằm trong khung có thể nộp phạt trực tiếp là điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh, dừng đỗ trái quy định, đi vào đường cấm, điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm (hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng cài quai không đúng quy cách, chở người đằng sau không đội mũ bảo hiểm), chở quá số người quy định…
Bình luận (0)