Sáng 22-4, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) năm 2016, diễn ra vào ngày 29-4.
Đích thân Thủ tướng mời
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho biết hội nghị sẽ diễn ra tại Hội trường Thống Nhất (TP HCM) với khoảng 500 đại biểu tham dự; trực tuyến với 62 điểm cầu của 62 tỉnh, thành phố còn lại, do đích thân Thủ tướng mời. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị, ngoài ra còn có 2 Phó Thủ tướng là Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Nội dung của hội nghị là hiến kế các giải pháp xây dựng thể chế, cơ chế nhằm tạo môi trường kinh doanh ổn định; biện pháp khắc phục, giải quyết các kiến nghị, khó khăn của DN trong quá trình sản xuất - kinh doanh; việc thực thi pháp luật, rào cản của bộ máy chính quyền… Tinh thần của hội nghị - tạo mọi điều kiện cho DN trở thành động lực để phát triển kinh tế đất nước - cũng chính là thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Không phân biệt DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện sự công bằng và quan tâm của Chính phủ.
Trong hội nghị, 2 TP lớn là Hà Nội và TP HCM sẽ ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dưới sự chứng kiến của Thủ tướng về việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.
Sau hội nghị, Thủ tướng sẽ họp với các bộ, ngành để giải quyết những kiến nghị còn tồn tại, thể hiện sự quyết liệt xử lý của Chính phủ. Chính phủ cũng sẽ ban hành một nghị quyết chuyên đề về nội dung hỗ trợ DN Việt Nam thành động lực phát triển kinh tế đất nước và thảo luận thông qua ngay đầu tháng 5-2016.
Bảo vệ môi trường kinh doanh
Tại buổi họp báo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá cao quyết định đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, đó là sẽ gặp gỡ DN ngay vào cuối tháng 4. Bên cạnh đó, quyết định thứ 2 của Thủ tướng cũng rất quan trọng: Ngày 21-4, ông yêu cầu dừng hình sự hóa vụ chủ quán cà phê Xin Chào (TP HCM) bị khởi tố. Quyết định thứ 2 này phát đi thông điệp bảo vệ sự an toàn của môi trường kinh doanh. Hiện môi trường kinh doanh còn kém an toàn.
Theo đánh giá của ông Lê Mạnh Hà, với vụ việc chủ quán Xin Chào bị khởi tố, Thủ tướng đã rất quan tâm và yêu cầu Văn phòng Chính phủ tham mưu giải quyết. Văn phòng Chính phủ chưa kịp gửi văn bản tham mưu thì Thủ tướng đã chỉ đạo tháo “ngòi nổ” cho vụ này, cụ thể là ngừng hình sự hóa vụ việc.
“Nếu ông chủ quán này mà thua thì sẽ đưa ra thông điệp rất xấu là mọi DN kinh doanh đều có thể bị đi tù! Ngay tại TP HCM còn thế thì ở những nơi xa xôi là rất khó” - ông Hà nhận xét.
Theo ông Hà, từ ngày 1-7, các điều kiện kinh doanh chỉ được phép nằm trong nghị định, hoàn toàn loại bỏ những điều kiện kinh doanh ở cấp thông tư mà các bộ hiện làm rất chậm.
“Hội nghị Diên Hồng”
Ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ mong muốn Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2016 mang ý nghĩa như hội nghị Diên Hồng. Tất cả DN và người dân đều có trách nhiệm hiến kế giải quyết những khó khăn trong môi trường kinh doanh. “Mong sao sau cuộc gặp này, tháng 5 sẽ là tháng cả nước hiến kế phát triển DN với tinh thần của ngày Giải phóng miền Nam 30-4 và chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5” - ông kỳ vọng.
Ông Lê Mạnh Hà cho biết dù Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo trước ngày 20-4 để chuẩn bị nội dung hội nghị nhưng chỉ các tỉnh Quảng Nam, Lào Cai, Thanh Hóa cùng Ngân hàng Nhà nước, VCCI, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện. “Nếu không làm kịp thì phải báo cáo lại chứ không thể im lặng như vậy” - ông Hà nói. Theo ông, cần công khai danh tính lãnh đạo địa phương, bộ trưởng không làm theo yêu cầu của Thủ tướng.
Bình luận (0)