Ngày 14-4-2014, Báo Người Lao Động đã có bài viết phản ánh tình trạng gỗ lậu được vận chuyển từ tỉnh Kon Tum sang Gia Lai tiêu thụ. Sau hơn 1 năm, tình trạng này vẫn diễn ra một cách gần như công khai.
Rất ung dung
Tối 4-5, chúng tôi bám theo một xe chất đầy gỗ đi từ khu vực nghĩa trang xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai ra Tỉnh lộ 664. Chiếc xe được tháo biển số, chở hàng chục khúc gỗ vuông, đường kính từ 40-60 cm, dài 3-4 m, phủ bạt bên trên. Sau khi chạy qua trụ sở UBND xã Ia Krái khoảng 100 m, chiếc xe vào một kho gỗ và hơn nửa giờ sau thì quay ra với cái thùng rỗng. Sau đó, chúng tôi tiếp tục bám theo một xe tải khác cũng chở đầy gỗ đi ra từ khu vực nghĩa trang xã Ia Krái với hành trình tương tự mà không vấp phải bất cứ sự kiểm tra nào từ cơ quan chức năng.
Trước đó, sáng cùng ngày, chúng tôi đến bến sông thuộc làng Tung Chruc, xã Ia Khai, một người dân ở đây cho biết từ tối đến sáng, những chiếc sà lan kéo gỗ từ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum về bến sông này và chuyển lên xe tải chở đi ngay trong đêm. “Trước đây, lâm tặc thường kéo gỗ về đây chất thành đống rồi sau đó mới chuyển đi. Thời gian gần đây, để tránh bị phát hiện, chỉ chiều tối gỗ mới được tập kết về và cho xe chở đi ngay” - một người dân cho biết. Cũng theo người này, số gỗ trên sẽ được chở về các kho trên địa bàn hoặc bãi tập kết cách nghĩa trang xã Ia Krái khoảng 300 m, sau đó chuyển đi các xưởng.
Trước đó, chiều 3-5, có mặt tại bãi tập kết gần nghĩa trang, chúng tôi chứng kiến 2 xe tải đã được chất đầy gỗ, phủ bạt xanh chuẩn bị xuất bến. Trên mặt đất, hàng chục khúc gỗ còn nằm ngổn ngang.
Liên tục theo dõi trong các ngày 2, 3 và 4-5, chúng tôi nhận thấy cứ từ 18 giờ đến sáng hôm sau, có hàng chục chuyến xe chở gỗ từ bãi tập kết gầm rú nối đuôi về phía nhà kho gần trụ sở UBND xã Ia Krái. Trong đó, chỉ tính riêng từ 18 đến 23 giờ ngày 3-5, có 5 xe lưu thông trên đường mà không bị kiểm tra.
“Chân rết khá dày”
Ông Nguyễn Tuấn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, cho biết từ ngày 2-9-2014, Kiểm lâm tỉnh Kon Tum đã mở đợt truy quét nên tình hình khai thác gỗ và vận chuyển theo đường sông về huyện Ia Grai đã giảm. “Tình hình ổn, địa bàn không có gì nên chủ yếu tập chung phòng chống cháy” - ông Toàn nói.
Sau khi chúng tôi cung cấp thông tin về tình trạng xe chở gỗ chạy rầm rập trên Tỉnh lộ 664, qua địa bàn, ông Toàn nói: “Cái đó thì bây giờ mình không biết, nếu như nó (lâm tặc - PV) vận chuyển thì là gỗ bất hợp pháp”.
Cũng theo ông Toàn, huyện Ia Grai là địa bàn có rừng giáp biên giới nên việc vận chuyển gỗ là khó tránh, đồng thời khẳng định khu vực nghĩa trang xã Ia Krái không có bãi tập kết gỗ nào. “Nếu có thì để xem lại, chứ lâu nay không xảy ra việc lâm tặc tập kết gỗ trên địa bàn, kể cả bờ sông” - ông Toàn khẳng định.
Tuy nhiên, ông Toàn cũng thừa nhận tình trạng lâm tặc vẫn lén lút vận chuyển gỗ nhưng rất khó bắt quả tang và xử lý. “Nó theo dõi, canh anh em kinh lắm, ở đây mà mình bắt đầu xuất phát là phía dưới bến nó biết liền vì chân rết khá dày” - ông Toàn phân trần.
Ông Toàn cho biết lực lượng chức năng chịu trách nhiệm về gỗ lậu không chỉ kiểm lâm mà còn có công an, cảnh sát môi trường, dân quân du kích...
Ông Ksor Loan, Chủ tịch UBND xã Ia Krái, cho biết đã từng nghe người dân phản ánh tình trạng lâm tặc vận chuyển gỗ lậu qua địa bàn nhưng chính quyền xã không có thẩm quyền kiểm tra.
Bình luận (0)