Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, hào hứng và tin tưởng việc ứng dụng công nghệ hiện đại này sẽ phát huy hiệu quả. Ông giải thích: “Sẽ cho quét hết, quét xong xuôi rồi toàn bộ dữ liệu từ camera, ảnh chuyển thành tọa độ, kích thước thật. Nhà rộng, cao, kích thước bao nhiêu, mấy cây ổi, mấy cây mít, mấy cây xoài, sâu bao nhiêu, cao bao nhiêu… tính ra luôn. Có phần mềm tự động chạy. Ngày hôm nay quét, ngày mai quét lại nếu phát sinh một cái nhà thì ông chủ tịch phường chịu trách nhiệm”.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng muốn đầu tư máy bay không người lái công nghệ cao là để tăng cường theo dõi trách nhiệm của những người giữ nhiệm vụ quản lý đô thị. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ này bởi lâu nay, đây là “phân khúc chức năng” để xảy ra nhiều tiêu cực. Việc thẳng thừng ra giá trong cấp phép xây dựng cho đến chuyện người dân đổ xe đá trước nhà là phải lo lót cho cán bộ địa chính… diễn ra phổ biến ở các đô thị.
Trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản, tình hình cũng chẳng khá hơn. Việc chạy chọt phía sau dự án không còn lạ, việc chỉ định từ cấp trên dội xuống vẫn còn đó nên mới có những dự án làm xáo trộn dân sinh, xâm hại môi trường, kém hiệu quả mà vẫn được tiến hành. Hệ lụy có thể thấy được là thất thoát nguồn tài nguyên, đi cùng với vô số thiệt hại dai dẳng mà người dân nghèo phải liên lụy hứng chịu.
Những hoạt động thanh tra, giám sát vẫn diễn ra, các cuộc phê bình, tự phê bình năm này qua năm khác nhưng đó chỉ là hình thức, trên thực tế thì việc chạy dự án, lót tay địa chính hay mua giấy phép xây dựng vẫn diễn ra. Người dân, chủ đầu tư biết “đường đi nước bước” thì mọi chuyện thuận buồm xuôi gió; ngược lại, đường ngay nẻo chính sẽ khó tránh bị trì hoãn, làm khó.
Trở lại câu chuyện một thành phố đầu tư máy bay không người lái, có người cho rằng đó là việc làm hay. Ít ra là có tư duy khác biệt, cho thấy sự nhanh nhạy của chính quyền trong việc vận dụng công nghệ hiện đại để tổ chức quản lý hướng đến tính minh bạch, khoa học. Có điều việc giám sát bằng những chiếc máy bay không người lái hẳn sẽ chỉ dừng ở phạm vi công trường thực tế, chứ không thể nào giám sát hết được đường đi nước bước mờ ám, bất cập đằng sau việc duyệt, cấp phép dự án hay các giấy phép xây dựng.
Vậy, đầu tư vào công nghệ hiện đại để phục vụ tốt hơn cho chuyên môn quản lý là điều cần thiết nhưng nếu tin tưởng hoàn toàn rằng đó sẽ là “lá bùa” hiệu nghiệm để xử lý tiêu cực trong quản lý đô thị thì không khéo sẽ rơi vào viễn mơ.
Gốc rễ vấn đề vẫn là phải xây dựng một hệ thống chính quyền đô thị liêm chính, trong sạch, tự trọng và đề cao tinh thần phục vụ người dân; biết tự đào thải những tiêu cực, nhũng nhiễu để vận hành, quản lý văn minh và hiệu quả hơn.
Bình luận (0)