Sở GTVT TPHCM vừa giao cho Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn (gọi tắt là trung tâm) thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, khai thác và bảo trì tuyến Võ Văn Kiệt - đường hầm sông Sài Gòn - Mai Chí Thọ (đại lộ Đông Tây) theo hình thức “thống nhất một đầu mối”, thay vì để nhiều đơn vị quản lý, khai thác như hiện nay. Trước đó, Lực lượng TNXP TP đã từng đề xuất và đang được UBND TP giao nghiên cứu đề án thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, khai thác và bảo trì tuyến đường đại lộ Đông Tây.
Hai đơn vị một đề án
Theo Lực lượng TNXP, công tác quản lý tuyến đường trên hiện còn nhiều bất cập vì có hơn 10 đơn vị cùng quản lý. Vì vậy, mục tiêu mà đề án đặt ra là thực hiện phương thức quản lý theo kiểu gom về một đầu mối thống nhất, đồng thời khai thác có hiệu quả các tiềm năng mà tuyến đường mang lại để chia sẻ cùng TP gánh nặng kinh phí duy tu hằng năm.
Cũng dựa trên cơ sở này, Sở GTVT đã giao cho trung tâm quản lý, khai thác và bảo trì tuyến Võ Văn Kiệt - đường hầm sông Sài Gòn - Mai Chí Thọ. Trước đây, khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 4 chia nhau quản lý hạ tầng trên tuyến, riêng trung tâm quản lý, khai thác đường hầm sông Sài Gòn. Nhằm gom về một đầu mối, lần này Sở GTVT giao hẳn cho trung tâm quản lý toàn bộ tuyến đường lẫn đường hầm sông Sài Gòn.
Theo đó, trung tâm bắt đầu tiếp nhận quản lý phần đường bộ, cầu đường bộ, hệ thống chiếu sáng, cây xanh trên đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ từ tháng 4-2013. Tiếp theo, trong quý I/2014, trung tâm xây dựng cơ chế và tổ chức quản lý để khai thác thu phí đậu xe và dịch vụ cho thuê quảng cáo trên tuyến đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ, sau đó sẽ nghiên cứu áp dụng hệ thống giao thông thông minh trên tuyến đường này.
Trao đổi với chúng tôi chiều 17-4, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn, cho biết sẽ cố gắng hết sức quản lý tốt tuyến đường bằng đội ngũ chuyên viên có chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Hiện tại, trung tâm đang tích cực tiếp nhận hồ sơ bàn giao từ các khu quản lý giao thông đô thị, dự kiến trong vòng 1 - 2 tháng nữa sẽ hoàn tất.
Nhiều đề xuất nằm ngoài quy định
Về đề án của Lực lượng TNXP, khá nhiều sở, ngành đã tham gia góp ý để đơn vị này hoàn thiện, trong đó đáng chú ý là góp ý của Công an TP. Khi đề xuất mô hình quản lý mới, Lực lượng TNXP đề xuất được thực hiện một số quyền hạn mà theo Công an TP là không thuộc thẩm quyền và không có cơ sở pháp lý.
Cụ thể, Lực lượng TNXP xin được kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ chứng cứ vi phạm và chuyển cơ quan chức năng xử lý, đồng thời được hưởng khoản trích lại theo tỉ lệ từ tiền xử phạt. Đơn vị này cũng xin được ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp xử phạt không lập biên bản. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Lực lượng TNXP không có thẩm quyền này. Lực lượng TNXP còn xin được tuần tra, kiểm tra lòng đường, cầu, lòng kênh; trực gác, điều tiết giao thông. Tuy nhiên, theo Công an TP, trong Luật Giao thông Đường bộ, Lực lượng TNXP cũng không có thẩm quyền này.
Nói về những đề xuất “vượt quyền hạn”, ông Trần Phú Lữ, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP, cho biết ở góc độ đơn vị làm đề án, Lực lượng TNXP có quyền đề xuất. Duyệt hay không hoặc có hướng giải quyết thế nào phải chờ lãnh đạo TP quyết.
Kiểm soát chặt chất lượng công trình Sở GTVT yêu cầu Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn lựa chọn các đơn vị có đủ chức năng, năng lực, kinh nghiệm thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình được giao và tổ chức quản lý chất lượng, nghiệm thu thanh toán, quyết toán theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các phòng chuyên ngành của Sở GTVT dự thảo trình các cấp thẩm quyền bổ sung điều chỉnh các quy chế phối hợp có liên quan. Sở GTVT cũng sẽ nghiên cứu mô hình tổ chức, thành lập một đơn vị quản lý cho thuê khai thác toàn bộ hệ thống hào kỹ thuật trên địa bàn TP và phương án thu phí hoàn vốn đầu tư theo chỉ đạo của UBND TP. |
Bình luận (0)