Đến chiều 5-11, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã có 10 người chết và 5 người mất tích. Riêng tỉnh Phú Yên có 7 người chết và 2 người mất tích do bị nước lũ cuốn.
Thủy điện tiếp tục xả lũ
Đến chiều 5-11, các thủy điện trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn tiếp tục xả lũ. Trong đó, thủy điện sông Hinh xả lũ với lưu lượng hơn 2.000 m3/giây, thủy điện sông Ba Hạ 1.600 m3/giây, thủy điện Krông H’Năng trên 400 m3/giây. Theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, với mức xả lũ này, lẽ ra Phú Yên sẽ không bị ngập nặng. Tuy nhiên, do hạ lưu sông Ba nước lũ vẫn còn, mưa lại lớn nên nhiều vùng tiếp tục ngập sâu.
Trong khi đó, theo UBND huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, từ ngày 2 đến 4-11, trên địa bàn huyện có mưa lớn kéo dài, cùng với vận hành điều tiết nước hồ thủy điện Buôn Tua Srah, đã gây ra thiệt hại về sản xuất của người dân. Cụ thể, sáng 4-11, hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah bắt đầu xả nước 374 m3/giây, đến ngày 5-11 đã tăng mức xả lũ lên 532 m3/giây.
Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, cho biết đơn vị quản lý vận hành 3 nhà máy thủy điện trên sông Sêrêpốk gồm Buôn Tua Shar, Buôn Kuốp và Sêrêpốk 3. Đến ngày 5-11, cả 3 hồ đều xả lũ với tổng lưu lượng trên 1.700 m3/giây. “Hiện nay, mặc dù lưu lượng nước về hồ khá lớn nhưng chúng tôi chưa dám xả nhiều vì hiện một số khu vực hạ lưu chịu hết nổi rồi...” - ông Triết nói.
Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã có kết luận về kiểm tra việc vận hành đập thủy điện tại Gia Lai và Phú Yên trong đợt lũ này. Theo đó, khi xả lũ, thủy điện An Khê - Kanak có thông báo đến các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai nhưng chưa thông báo cho trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT-TKCN), chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai theo quy định. Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak cũng nhận thiếu sót này. Đoàn công tác Bộ Công Thương đã yêu cầu công ty nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong việc thông báo vận hành hồ chứa đến các cơ quan đúng theo quy định tại quy trình và quy chế phối hợp bảo đảm thông tin thông suốt để điều hành chỉ huy bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du đập.
Thiệt hại hàng trăm tỉ đồng
Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Phú Yên, hiện địa phương này có đến 137 thôn, khu phố của 46 xã, phường bị ngập nặng. Trong đó, TP Tuy Hòa có nơi ngập sâu đến 1,5 m. Lực lượng chức năng đã phải di dời hơn 17.000 người đến nơi cao. Nước lũ làm gần 10.000 nhà bị ngập, trong đó có 4 nhà bị sập hoàn toàn; gần 200 bò, heo, dê bị chết do lũ. Đáng chú ý là đến tối 5-11, TP Tuy Hòa vẫn chưa có nước sinh hoạt, người dân phải hứng nước mưa để dùng. Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Phú Yên cho biết sự cố đã xảy ra từ tối 3-11, do trạm bơm Hòa Thắng bị nước lũ làm ngập, hư hỏng.
Mưa lũ đã làm sạt lở nhiều tuyến đường quan trọng ở tỉnh Phú Yên. Trên Quốc lộ 1 qua thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, một đoạn dài hơn 100 m bị sạt lở, xoáy hàm ếch làm sập 3 nhà. Trong khi đó, theo ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, vẫn chưa thống kê được lượng cá, tôm hùm, ốc hương chết do bị sốc nước ngọt do lũ tràn vào đầm Cù Mông. “Chỉ riêng hàng vạn con tôm hùm bị chết, nông dân tại đây thiệt hại gần 100 tỉ đồng” - ông Tuấn nói.
Tại tỉnh Khánh Hòa, mưa lớn tiếp tục diễn ra trong ngày 5-11. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa xác nhận toàn tỉnh có 246 ngôi nhà bị ngập; trên 1.700 ha lúa bị ngập, 147 ha hoa màu bị hư hỏng; 770 gia cầm bị chết; 7 tàu cá bị nạn. Những ngày qua, tỉnh đã sơ tán 53 hộ với 219 khẩu ở vùng thấp trũng đến nơi an toàn... Ước tính, tổng thiệt hại do mưa lũ ở Khánh Hòa là 124 tỉ đồng.
Tại Bình Định, theo số liệu thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, mưa lũ đã làm 2 người chết và 2 người bị thương; 189 ngôi nhà sập, vùi lấp; 116 nhà tốc mái; 1.450 nhà ngập nước; 333 hộ di dời, 230 hộ bị cô lập. Về nông nghiệp, có 1.664 ha lúa mùa, 628 ha màu bị ngập, 3.500 gia cầm, 56 con gia súc chết... Tổng thiệt hại bước đầu khoảng trên 100 tỉ đồng.
Các địa phương khác như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kom Tum, Lâm Đồng cũng đang gánh chịu nhiều hậu quả do thiên tai gây ra.
Từ chiều tối 5-11, vùng áp thấp nhiệt đới đã đi vào đất liền tỉnh Bình Thuận và suy yếu thành một vùng áp thấp trên đất liền, gây mưa lớn ở tỉnh này và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
15 người chết và mất tích do mưa lũ
Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai cho biết tính đến sáng 5-11, mưa lũ đã làm 10 người chết và 5 người mất tích. Trong đó, số người chết ở Quảng Bình là 3, Quảng Trị 2 , Đắk Lắk 1, Bình Định 1 và Phú Yên 3. Trong 5 người mất tích có 3 ở tỉnh Phú Yên, 1 ở Quảng Bình và 1 ở Kon Tum.
Mưa lũ cũng đã khiến hơn 100 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, hư hỏng; gần 10.000 ngôi nhà ở các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên và Ninh Thuận bị ngập. Về nông nghiệp, 5.567 ha lúa và 4.929 ha hoa màu bị ngập, hư hỏng; 252 con gia súc, 30.790 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Nhiều tuyến đường giao thông ở Bình Định, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận bị ngập, giao thông chia cắt.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương nhận định tình trạng ngập lụt ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng... vẫn tiếp diễn trong một vài ngày tới. Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn hồ chứa trên địa bàn các địa phương từ Bình Định đến Bình Thuận, đặc biệt là các hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai và sông Sêrêpốk. V.Duẩn
Bình luận (0)