TPHCM đỡ đắt đỏ hơn nhưng cũng đứng thứ 36 trong bảng xếp hạng này. Căn cứ để đưa ra bảng xếp hạng là 200 tiêu chuẩn tại mỗi TP, trong đó có các tiêu chí cơ bản như lương thực, quần áo, nhà cửa, điện nước, giao thông, dịch vụ vui chơi giải trí...
Theo các chuyên gia kinh tế, để biết kết quả nghiên cứu này có đáng tin cậy hay không thì còn phải xem xét nhưng rõ ràng đây là một tài liệu đáng để chúng ta tham khảo, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi thu nhập bình quân đầu người của VN còn thấp (khoảng 400 USD/người/năm) và giá thành sản phẩm, dịch vụ xã hội đang bị đội lên bởi những cơ chế bất hợp lý.
Chi phí bất hợp lý chiếm tỉ trọng đáng kể
Bình luận về thứ hạng này, Phó Viện trưởng Viện Thị trường và Giá cả (Bộ Tài chính) Ngô Trí Long cho rằng có thể nhận thấy những chi phí sinh hoạt của chúng ta quá cao so với thu nhập của mình. Đây là một vấn đề đáng quan ngại vì thu nhập của ta thuộc loại nước nghèo trên thế giới nhưng chi phí lại đắt đỏ. Mà chi phí đắt đỏ thực chất là giá cả hàng hóa và dịch vụ cao.
Theo ông Long, điều này phản ánh thực trạng hiệu quả sản xuất của nền kinh tế quốc dân cũng như hiệu quả của các doanh nghiệp (DN) còn hạn chế. Một công bố mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy khả năng cạnh tranh của VN (năm 2004) tụt 17 bậc nhưng tham nhũng tăng 2 bậc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm đội chi phí vì trong chi phí sản phẩm, dịch vụ có hai loại: chi phí hợp lý (chi phí cần thiết) và chi phí bất hợp lý (chi phí không cần thiết). Chi phí bất hợp lý có thể do những hiện tượng như tham nhũng, tiêu cực hay bộ máy cồng kềnh tạo nên. Đáng lưu ý là trong xu thế hiện nay, chi phí sản xuất của ta cao hơn một số nước do chi phí bất hợp lý chiếm một tỉ trọng đáng kể.
Bảng xếp hạng của Mercer có thể chưa đủ căn cứ hoặc chưa hợp lý. Nhưng thực trạng nền kinh tế VN cũng phản ánh kết quả đó. Biết nhìn lại mình là điều nên làm và phải làm. |
Những chi phí này cuối cùng được tính hết vào giá thành sản phẩm. Trong khi đó, DN không những không được tăng thêm lợi nhuận mà ngược lại còn bị giảm sức cạnh tranh, còn người tiêu dùng thì phải chịu giá đắt.
Gánh nặng “đầu vào”
Trong một hội thảo ngày 31-3 của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, ông Vũ Quốc Tuấn, chuyên gia cao cấp Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, đã nêu thực trạng lợi ích riêng tư của từng ngành kinh tế đang nổi lên rất mạnh do những ngành độc quyền nhập nhèm biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền của DN. Những DN này nắm quyền cung cấp “đầu vào” nhưng lại cố gắng tăng lợi ích của bản thân hoặc của riêng ngành mình bất chấp việc đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ cộng đồng DN vì bị tăng chi phí đầu vào. “Chi phí của Hà Nội và TPHCM đắt đỏ chính là do từng ngành, từng DN chỉ nhìn lợi ích của mình mà không nhìn lợi ích chung của cả nền kinh tế khiến sức cạnh tranh của nền kinh tế yếu đi” - ông Tuấn nhận định.
Theo CIEM, tình trạng kiểm soát độc quyền kém đã khiến cho nỗ lực giảm giá thành của DN bị hạn chế. Kết cấu hạ tầng của VN thời gian qua đã được đầu tư nhiều, điển hình như các ngành viễn thông, hàng không. Bên cạnh đó, đường sắt, đường bộ cũng tăng về khối lượng vận chuyển nhưng nhìn chung giá các dịch vụ này rất cao vì bị kèm theo những chi phí bất hợp lệ hoặc chất lượng dịch vụ thấp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược cạnh tranh bằng chi phí thấp của các DN.
Giải pháp nào cải thiện tình hình?
Theo ông Ngô Trí Long, Chính phủ đã nhìn thấy vấn đề này và đang nỗ lực cải thiện tình hình bằng những giải pháp quyết liệt như rà soát chi phí hàng hóa, dịch vụ đầu vào để giảm xuống mức hợp lý, chống tham nhũng... Nhưng muốn triệt tiêu những bất hợp lý cần phải có thời gian.
Một thành viên khác trong Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cho rằng giải pháp có hiệu quả có thể làm ngay được là thực hiện chính sách cạnh tranh trong các lĩnh vực kinh tế bằng cách mở cửa cho khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài. Cũng cần chú ý đến việc chúng ta còn đang đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu làm cho giá sản phẩm đó tại thị trường nội địa tăng lên mà người tiêu dùng phải chịu. Tại VN, yếu tố khá quan trọng có thể kéo giảm phần nào chi phí là giá nhân công rẻ. Lợi thế này cần được phát huy ở mức cao nhất, tuy nhiên, đây là một lợi thế không bền vững nếu không có chính sách đào tạo tốt.
Bình luận (0)