Đại tá Nghiêm Đình Tích, nguyên phó Ban Tổng kết lịch sử Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), nhớ lại: “Rất nhiều đoàn nhà báo, chuyên gia quân sự, thậm chí cả tướng lĩnh cấp cao của Mỹ đã tìm gặp tôi chỉ để tìm hiểu điều duy nhất: Tại sao lực lượng phòng không Bắc Việt có thể tiêu diệt B52 khi mà trước đó, chúng ta chưa hề có kinh nghiệm đối phó “pháo đài bay”, thần tượng của không lực Mỹ? Khi ấy, tôi chỉ cười và nói với họ: Các ông hãy tìm hiểu về cuốn cẩm nang bìa đỏ Cách đánh B52”.
Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm một đơn vị tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội
Hứng chịu hơn 10.000 tấn bom
Là người chép sử, lại xuất thân từ lính ra-đa trực tiếp chiến đấu trong những ngày tháng mà lực lượng phòng không của chúng ta “so gan” với không lực Mỹ, đại tá Nghiêm Đình Tích thẳng thắn: “Thật ra, trước khi thắng được B52, chúng ta đã có nhiều trận thua. Những trận thua đó mang lại nhiều bài học. Nó khiến chúng ta bừng tỉnh, còn không quân Mỹ lại chủ quan và tin rằng chắc chắn chúng sẽ thắng ở cuộc tập kích đường không gọi là Linebacker II”.

thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân nhân kỷ niệm 40 năm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”,ngày 19-12. Ảnh: TTXVN
Nhắc đến tội ác của không quân Mỹ, trong mắt đại tá Tích vẫn rực lên nét căm hận: “Chúng đã rót xuống miền Bắc hơn 10.000 tấn bom với sức hủy diệt tương đương 2 quả bom nguyên tử đã ném xuống Hirosima và Nagasaki - Nhật Bản. Hơn 2.300 dân thường đã bị giết hại và gần 1.500 người bị thương, chịu những di chứng nặng nề”.
Thương vong về người trong các cuộc không kích này khiến các chỉ huy cao cấp của ta như ngồi trên lửa. Sốt ruột là tâm trạng chung từ chỉ huy cho đến người lính ở ngoài trận địa tên lửa nhưng nhìn lại giai đoạn này, ông Tích khẳng định: “Chúng ta sốt ruột chứ không hoang mang bởi thực ra, trong tay chúng ta đã có cách đánh B52 rồi”.
Từ tháng 5-1966, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã điều Trung đoàn Tên lửa 238 vào tuyến lửa Vĩnh Linh để nghiên cứu cách đánh B52 với khẩu hiệu “Dọn đường mà đi, đánh địch mà tiến”. Đến ngày 17-9-1967, sau nhiều tháng tỉ mỉ quan sát, phân tích và nhận dạng “pháo đài bay”, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 đã bắn rơi 1 chiếc B52. Đây chính là cơ sở ban đầu tạo nên cuốn cẩm nang đỏ Cách đánh B52.

Cuốn sách bìa đỏ Cách đánh B52 - kim chỉ nam diệt pháo đài bay Mỹ
Như viết từ máu
Dù có trong tay lý thuyết nhưng bộ đội tên lửa của ta hầu như chưa bao giờ được thực hành bắn B52. Vì thế, vẫn có nhiều ý kiến nghi ngại khi toàn bộ Quân chủng PK-KQ ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Là người chỉ huy trực tiếp bắn rơi 4 máy bay B52, tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và trở thành “tượng đài” của bộ đội tên lửa. Thế nhưng, ông vẫn khiêm tốn: “Nếu không có kinh nghiệm của lớp đi trước, những người đã viết ra cuốn sách bằng quyết tâm giải phóng đất nước, khát khao hòa bình thì dù tài giỏi đến mấy, chúng tôi cũng chẳng thể làm gì được”.
Hạ B52 ngay đêm mở màn chiến dịch Ngoài việc miệt mài tổng kết những trang sử hào hùng của bộ đội PK-KQ, đại tá Nghiêm Đình Tích còn là một chứng nhân lịch sử quan trọng trong trận chiến 12 ngày đêm. Đêm 18-12-1972, ông Tích, khi đó là trạm trưởng Trạm Ra-đa 45 đóng tại Đồi Sim, huyện Đô Lương - Nghệ An, đã báo cho Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ biết sớm 35 phút trước khi B52 tiến vào Hà Nội. Lực lượng phòng không của ta đã không bị bất ngờ và hạ B52 ngay trong đêm mở màn chiến dịch. Ông Tích tự hào: “Công lớn nhất là của bộ đội tên lửa nhưng công đầu thuộc về những người lính ra-đa. Quá trình phát hiện, dò ra đường đi của B52 là một công việc tưởng như không thể làm được nhưng cuối cùng, chúng tôi đã xuất sắc hoàn thành, góp phần vào chiến thắng chung của cả dân tộc”. |
Bình luận (0)