Trong một báo cáo gửi HĐND do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký, có nhiều hạn chế trong công tác quản lý, duy trì cây xanh, thảm cỏ trên địa bàn TP này, như: bộ máy quản lý của đơn vị được giao duy trì cây xanh đường phố trên địa bàn 12 quận còn bất cập, chưa phù hợp.
Định mức không phù hợp
Đặc biệt, báo cáo thừa nhận những điểm còn tồn tại trong công tác duy tu, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ các tuyến phố, đường đô thị, nhất là quy trình, định mức duy tu, duy trì không còn phù hợp thực tế gây hao phí nhân công, máy móc, thiết bị lớn. Bên cạnh đó, số lượng công nhân lành nghề, kỹ thuật cao của các công ty cây xanh còn quá ít, chủ yếu lao động phổ thông, thiếu am hiểu về cây xanh. Việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, thiết bị trong công việc duy tu, duy trì vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh còn hạn chế.
Về giải pháp chấn chỉnh công tác quản lý, duy tu cây xanh, báo cáo cho biết TP Hà Nội sẽ hoàn chỉnh hệ thống quy trình, định mức đơn giá để đặt hàng, đấu thầu duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn từ ngày 1-1-2017. Việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu phải bảo đảm cả chất lượng lẫn chi phí hợp lý, phù hợp với các quy định của pháp luật.
“...Các đơn vị có nguyện vọng tham gia đấu thầu, đặt hàng trong lĩnh vực cây xanh phải chủ động mua sắm trang thiết bị, giảm bớt các khâu trung gian, đổi mới phương thức duy tu, duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ nhưng vẫn bảo đảm chất lượng duy trì ổn định, đáp ứng các yêu cầu về mỹ quan đô thị với chi phí hợp lý” - TP Hà Nội nêu rõ giải pháp trong thời gian tới.
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc thực hiện công tác duy tu cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa được thực hiện theo đơn giá, định mức mà UBND TP quy định từ ngày 30-1-2015. Trong đó có hàng trăm mã đơn giá liên quan đến nhiều nội dung công việc như phí xén cỏ mùa khô, mùa mưa; phí trồng cỏ, phun thuốc phòng sâu bệnh, vệ sinh thảm cỏ... Thực tế, TP cũng đã thực hiện rà soát, xây dựng quy trình, định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá sản phẩm theo hướng gọn nội dung công việc, tăng cường cơ giới hóa nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành. Trong đó, giảm được 17 quy trình, còn 20 quy trình; giảm 61 mã định mức, còn 26 mã; giảm 368 mã đơn giá, còn 63 mã. Tỉ lệ giảm đối với tổng kinh phí đặt hàng thường xuyên lĩnh vực duy trì công viên, cây xanh là 40,38%.
Tuy nhiên, để có thể nắm cụ thể hơn về các chi phí chăm sóc cây xanh tại Hà Nội, phóng viên đã đặt vấn đề làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội - cơ quan ký các gói thầu. Ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết việc này đã được chuyển sang Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị xem xét và phản hồi nhưng đến hiện tại chưa có câu trả lời cụ thể.
Nên tiết kiệm!
Chính bởi quy trình, định mức duy tu, duy trì không còn phù hợp thực tế, gây hao phí nhân công, máy móc, thiết bị… nên mới dẫn đến thực trạng chi phí cắt cỏ chỉ với 24 km đại lộ Thăng Long đã ngốn tới 53 tỉ đồng theo thông tin được chính Chủ tịch TP Hà Nội công bố mới đây.
Đáng nói là dù đổ tiền tỉ vào việc duy trì “màu xanh” cho thủ đô nhưng kết quả lại không như kỳ vọng. Chẳng hạn, từ cầu sông Nhuệ (quận Nam Từ Liêm) dọc về phía huyện Quốc Oai, cây cối um tùm ở hành lang 2 bên đường do lâu ngày không được cắt tỉa. Thậm chí, nhiều chỗ cây lấn cả lòng đường dành cho phương tiện giao thông. Nhiều chỗ cây dại mọc quá đầu người, leo lên rào bảo vệ hành lang, trông rất thiếu mỹ quan.
Chị Hoa (35 tuổi), một người bán hàng ở khu vực cầu Nhuệ, cho hay: “Tôi bán hàng cả năm nay tại đây nhưng chưa thấy công nhân cắt tỉa cây bao giờ nên cây cối mọc um tùm. Sau cơn bão số 1, cây ngả nghiêng nhưng cũng chưa thấy ai đến dựng lại”.
Theo bà Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng - TP Hà Nội cần xem xét cách thức quản lý về cây xanh của các TP khác để có thể học tập quản lý tốt hơn. Chỉ 24 km đã chi tới 53 tỉ đồng, tức là hơn 2 tỉ đồng/km/năm thì không thể tưởng tượng được. Bà An cho rằng cần phải làm thế nào để vừa sạch đẹp vừa bảo đảm tiết kiệm.
Vị cựu đại biểu Quốc hội Hà Nội này cũng đề nghị xem xét cụ thể số tiền trên đã được phân bổ ra sao, tiền công tính trên mỗi công nhân là bao nhiêu, thiết bị cắt cỏ là gì, cách tính toán, chi trả… như thế nào?. “Nếu thấy chênh lệch giá quá lớn thì nguồn gốc do đâu? Phải kiểm tra cho rõ ràng bởi đây cũng là tiền thu từ thuế của dân” - bà An yêu cầu đồng thời nhấn mạnh TP cần rà soát lại trong tổng thể quản lý đô thị để xem còn những bất cập gì nhằm kịp thời chấn chỉnh, tiết kiệm ngân sách cũng là tiết kiệm cho dân. “Dừng các hoạt động cắt cỏ, tỉa cây để tiết kiệm ngân sách là rất đúng bởi TP còn nhiều việc khác cần tiền như xây cầu, làm trạm xá... Thủ đô nên mạnh dạn đi đầu trong việc tiết kiệm, chống lãng phí” - bà An đề nghị.
Cử cán bộ đi học về cây xanh
Thông tin từ TP Hà Nội còn cho biết TP đã mời các chuyên gia về cây xanh của Úc, Trung Quốc đến khảo sát, hướng dẫn các đơn vị (Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, Công ty Công viên Thống Nhất, Vườn thú Hà Nội, Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Hà Thành…) về công tác quy hoạch, trồng, chăm sóc, cắt tỉa, duy trì cây xanh đô thị. Đồng thời, cử cán bộ của các đơn vị sang học tập tại TP Côn Minh (Trung Quốc); sang Nhật, Đức để nghiên cứu quy trình và công nghệ, thiết bị mới.
Hà Nội cũng trang bị thiết bị hiện đại để tăng cường cơ giới hóa công tác cắt tỉa, chặt hạ cây bóng mát bảo đảm an toàn cảnh quan đô thị, tăng tính thẩm mỹ, gồm: 5 xe nâng, 3 xe cẩu tự hành; tiếp nhận và đưa vào sử dụng 2 xe nâng do Techcombank tài trợ.
Bình luận (0)