Theo Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh, có hiệu lực từ ngày 1-8-2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được nhập về Hà Nội. Từ diện tích gần 1.000 km² và dân số khoảng 3,4 triệu người, Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích 3.324,92 km² và dân số 6.232.940 người với 29 đơn vị hành chính cấp huyện (bao gồm 10 quận, 19 huyện, 1 thị xã).
Năm năm qua, kể từ ngày sáp nhập, Hà Nội được gì?
Nông thôn “chạy đua” với thành thị
Để cận cảnh sự đổi thay của diện mạo nông thôn Hà Nội, chúng tôi trở lại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất - xã từng được mệnh danh là “thâm sơn cùng cốc”, nghèo điển hình của thủ đô.
Cái “được” lớn nhất khi xã này về với Hà Nội là hệ thống điện, đường, trường học đã được phủ kín. Trò chuyện với chúng tôi, anh Đinh Tác Nghiệp, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Yên Trung, cho biết từ chỗ là xã nghèo với 82,41% là dân tộc Mường và hưởng toàn bộ chính sách từ Chương trình 135 của Chính phủ; đến nay, toàn xã chỉ còn 2 thôn nghèo đang hưởng chính sách này và 1 thôn về cơ bản đầu tư xong, sắp “thoát” nghèo.
Hiện Yên Trung đã có trên 60% hệ thống đường sá liên thôn, nội đồng được bê-tông hóa, 2/7 thôn trước kia không có điện giờ lưới điện đã phủ 100% xã. Trạm y tế 2 tầng khang trang cũng được xây dựng và trở thành trạm chuẩn trong hệ thống y tế cấp xã, phường. Nỗi ám ảnh xã nghèo và thất học cũng được xóa bỏ khi hệ thống trường học được xây mới, thậm chí có trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia như Trường THCS xã Yên Trung. 100% các cháu trong độ tuổi đến trường được vận động đi học và hầu như không bỏ học; số con em thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ, dạy nghề… đã tăng theo từng năm.
Tuy vậy, theo ông Hoàng Phương, Chủ tịch UBND xã Yên Trung, mặc dù sau 5 năm sáp nhập vào Hà Nội, kinh tế xã đã bớt khó khăn, số hộ nghèo giảm nhưng vẫn còn nhiều hộ diện nghèo và cận nghèo. Cụ thể, trong năm 2013, tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã vẫn còn 50/840 hộ nghèo, chiếm 5,7%. Mặc dù 100% dân trong xã đã có điện dùng, xóa được 100% nhà tranh vách nứa nhưng thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp, hiện xã mới phấn đấu đến hết năm 2013 thu nhập đạt 15 triệu đồng/người, cách khá xa so với thu nhập trung bình toàn TP Hà Nội.
Tục du canh du cư, lối sống không điện, không “con chữ”… của bà con dân tộc Mường ở xã giáp ranh miền núi tỉnh Hòa Bình xa xôi đã gần như được xóa bỏ từ vài năm nay. Tuy nhiên, bên cạnh những ngôi nhà khang trang vừa xuất hiện là những gian nhà lúp xúp, bề bộn, thiếu thốn đủ thứ. “Người dân xã Yên Trung vẫn chủ yếu là thuần nông nên chỉ đủ ăn, còn những nhà có của ăn của để và xây được nhà lớn đều là do bán đất trong thời kỳ giá đất “sốt” khi mới sáp nhập vào thủ đô Hà Nội” - anh Nghiệp lý giải. Hậu quả là nhiều thanh niên do không còn đất đã bỏ quê đi làm ăn xa rồi không may vướng vào các tệ nạn xã hội và vòng lao lý.
Xã miền núi Xuân Tiến - 1 trong 4 xã thuộc địa phận huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được sáp nhập vào Hà Nội - cũng trong tình trạng tương tự. Ngay sau khi hợp nhất về Hà Nội, nhiều dự án khu đô thị, dự án trường học… được đề xuất và cấp phép triển khai nhưng đến nay vẫn đình trệ. Diện tích đất canh tác của bà con nông dân bị thu hẹp khiến nhiều con em các hộ thuần nông phải đi làm thuê làm mướn hoặc xuống trung tâm Hà Nội học nghề, xin việc… kéo theo không ít hệ lụy.
Cũng là một trong những xã miền núi của huyện Ba Vì, dọc theo đường lộ 414, qua hơn chục cây số đường đèo dốc mới tới xã Khánh Thượng - vùng đất khó khăn với 13 thôn, gần 10.000 dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 60%, chủ yếu là người Mường. Nổi tiếng là địa chỉ du lịch với các địa danh Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Vườn Quốc gia Ba Vì… nhưng đến nay, cuộc sống của người dân xã này vẫn chủ yếu là thuần nông, thu nhập chính từ đồi rừng. Anh Lê Văn Quang, người dân xã Khánh Thượng, cho biết hầu hết người dân ở đây đều trồng 1 vài sào đót, năng suất cao thì đạt khoảng 3 tấn/sào, giá bán cao nhất cũng chỉ hơn 2.000 đồng/kg. “Với 6 sào đót như nhà tôi, chăm bón tốt và thời tiết thuận lợi thì lãi khoảng 25 triệu đồng/năm, còn gặp năm cây xấu, giá thấp thì gần như không có lãi. Ngày thường thì đợi đến chợ phiên bán lẻ vài thứ nông sản tự trồng để có thêm tiền chi tiêu” - anh Quang nói.
Thách thức bảo tồn văn hóa
Nhiều ý kiến cho rằng sau khi làn sóng đô thị hóa tràn về các vùng nông thôn Hà Tây (cũ), nhiều di tích văn hóa đã bị tu bổ theo kiểu “ăn xổi”, bỏ qua các quy trình cần thiết khi trùng tu dẫn đến làm sai lệch, hư hỏng...
Câu chuyện ngôi đền Và nằm cách trung tâm Hà Nội 50 km về phía Tây bị bức tử khi bắt đầu tiến hành trùng tu vào năm 2009 khiến người dân và phật tử không khỏi xót xa cho một di tích có giá trị trong cơn lũ đô thị hóa. Ông Phùng Minh Sơn, chủ tế ngôi đền này, cho biết: “Đền đã xuống cấp nên mới cần tu bổ, cải tạo và trong quá trình tu bổ đã cố gắng giữ được nguyên giá trị, kiến trúc cũ”. Tuy nhiên, nhiều người dân lại nhận xét các hạng mục còn có thể tồn tại ít nhất vài chục năm nữa, thậm chí có những phần gỗ và sơn son thiếp vàng hầu như chưa bị hư hại qua thời gian. Ngoài đền Và, nhiều công trình di tích khác cũng bị can thiệp hết sức thô bạo như chùa Trăm Gian, làng cổ Đường Lâm, đình làng Cam Thịnh…
Phát triển toàn diện
Số liệu tổng hợp của UBND TP Hà Nội cho biết trong 5 năm, trung bình hằng năm hỗ trợ trên 20.000 hộ thoát nghèo; bình quân mỗi năm giải quyết cho trên 23.000 lao động; đã và đang xây dựng thêm 370 dự án trung tâm thương mại, siêu thị lớn, văn phòng cao cấp, khách sạn hiện đại, nhà ở với trên 17.000 ha; trên 90% số hộ gia đình nông thôn có vô tuyến truyền hình…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết xét trên phương diện lớn là kinh tế thì TP đã đạt được tốc độ phát triển khá nhanh. Thu ngân sách thủ đô từ hơn 50.000 tỉ đồng năm 2008, đến cuối năm 2012 đã đạt 146.300 tỉ đồng, tăng gấp gần 3 lần... “Những chỉ số kinh tế đó hoàn toàn khách quan, nói lên quá trình phát triển của thủ đô Hà Nội. Nhìn lại tổng thể sau 5 năm, TP Hà Nội đã có bước phát triển khá toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, bộ mặt đô thị đổi thay rất nhiều…” - ông Nghị khẳng định. |
Bình luận (0)