Những ngày nắng nóng liên tiếp với nhiệt độ trong bóng râm xấp xỉ 40ºC đã biến Hà Nội thành một “chảo lửa”.
Ngất xỉu vì nắng nóng
Những ngày này, từ 7 giờ, nắng gắt đã làm lóa mắt những người tham gia giao thông. Đến 10 giờ, tại các nút giao thông có lưu lượng phương tiện lớn, nhiệt độ ngoài trời đo được lên tới trên 45ºC.
Những lúc này, đường phố Hà Nội vắng vẻ hơn bởi nhiều người tránh ra đường. Tuy vậy, vào giờ cao điểm, không ít tuyến đường vẫn bị ùn tắc khiến hàng ngàn người phải phơi mình dưới nắng gắt.
Đã có nhiều trường hợp bị say nắng, thậm chí ngất xỉu do không chịu nổi việc “phơi” nắng kéo dài và hơi nóng, khí thải từ các phương tiện giao thông khi đường bị tắc nghẽn.
Người nhà bệnh nhân trốn nắng nóng dưới những bóng cây (ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi Trung ương). Ảnh: NGỌC DUNG
Trời nắng nóng là cơ hội lớn cho các nhà hàng, quán ăn, cà phê có điều hòa nhiệt độ hay bể bơi, công viên, vườn hoa... hút khách. Không có điều kiện tránh nắng trong phòng có máy điều hòa hay bể bơi, nhiều người đổ xô tới hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây hay các siêu thị, không gian công cộng, thậm chí dưới một tán cây lớn để hóng mát. D
ân văn phòng trốn cái nóng như đổ lửa bằng cách “ngồi lì” trong phòng làm việc có máy điều hòa và gọi cơm hộp. Các quán bia hơi hay giải khát vỉa hè, trà đá đầu phố... cũng là điểm để người dân đến trốn nóng. Giá cả các nơi này vẫn giữ như ngày thường.
Trong khi đó, các mặt hàng thực phẩm được cho là giúp giảm nóng như đá sạch, cua đồng, hoa quả tươi... lại lên giá bởi lượng tiêu thụ tăng chóng mặt.
Tại các chợ ở Hà Nội, 1 kg cua đồng hiện có giá 120.000 đồng, tăng 30.000 đồng so với khoảng 10 ngày trước đây. Dịch vụ cung cấp quạt máy, quạt hơi nước hay sửa chữa, lắp điều hòa nhiệt độ đặc biệt “nóng” trong những ngày này.
Người già, trẻ nhỏ phát bệnh
Không chỉ đảo lộn sinh hoạt, nắng nóng kéo dài khiến người già, trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh. TS Nguyễn Trung Anh, Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện (BV) Lão khoa Trung ương, cho biết thời tiết nắng nóng khiến sức khỏe của người cao tuổi bị suy giảm.
Tuy số bệnh nhân nhập viện không tăng mạnh như đợt nắng nóng kỷ lục hồi tháng trước nhưng mỗi ngày, BV này cũng tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân, tăng 15% - 20% so với ngày thường.
Tại Khoa Nhi BV Bạch Mai, lượng bệnh nhi nhập viện do nắng nóng đang có xu hướng tăng. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai, cho biết bệnh phổ biến nhất là trẻ bị sốt do khả năng điều nhiệt kém hơn người lớn.
Nếu các gia đình không biết cách chăm sóc, để biến chứng co giật hoặc viêm não sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, trẻ em còn là đối tượng dễ bị tiêu chảy, mắc các bệnh về đường tiêu hóa nói chung, nhất là trong thời tiết nắng nóng, thức ăn dễ bị ôi thiu.
Theo TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, lượng trẻ đến khám luôn ở mức cao (khoảng 1.800-2.200 trẻ/ngày). Bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh, Khoa Khám bệnh BV Việt Đức, cho biết nắng nóng cũng làm tăng các ca tai nạn giao thông bởi khi nắng gắt, sẽ xảy ra hiện tượng khúc xạ ánh sáng, gây ra ảo ảnh dẫn đến việc điều khiển phương tiện không như ý, thậm chí, có nhiều ca tai nạn giao thông chỉ vì phóng nhanh để tránh nắng.
Bà Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương:
Nắng nóng là quá bất thường
Năm nay, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao ở miền Bắc và miền Trung là quá bất thường, nhiệt độ tăng cao chưa từng thấy ở bất kỳ thời điểm nào trong năm kể từ năm 1983. Cụ thể, nhiệt độ phổ biến 36ºC – 39ºC, nhiều nơi ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhiệt độ cao trên 40ºC, như ở Láng (Hà Nội) là 40,4ºC, Hòa Bình 40ºC – 41ºC. Thậm chí tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Con Cuông (Nghệ An), nhiệt độ có lúc lên tới 41ºC-42ºC. Dự báo, nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục trong 2 ngày tới ở miền Bắc và 3-4 ngày tới ở miền Trung. Nhiều khả năng, sau đợt nắng nóng này, ở miền Bắc và miền Trung sẽ còn 2 – 3 đợt nắng nóng khác.
Đáng lo ngại là từ khi nắng nóng cho đến ngày 15-7, theo dự báo, chưa thấy mưa, bão xuất hiện trên diện rộng. Trong khi hằng năm, từ tháng 6 trở đi là đã vào mùa mưa, bão. Nguyên nhân của sự bất thường này chỉ có thể lý giải do biến đổi khí hậu. Tất cả hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan trong 1-2 năm vừa qua đều trái quy luật và xem là do biến đổi khí hậu.
Mùa mưa, bão năm nay sẽ đến muộn mà thường đến muộn sẽ rất phức tạp, khó lường. Có thể, năm nay, mưa, bão, lũ sẽ dồn dập và số cơn bão có thể nhiều hơn năm 2009.
Thế Dũng ghi |
Bình luận (0)