Ngày 4-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” do UBND TP Hà Nội tổ chức. Tham dự hội nghị có trên 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và TP Hà Nội, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư.
Tiên phong thành trung tâm khởi nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hà Nội hội tụ rất nhiều tiềm năng để phát triển, xây dựng thủ đô xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Tuy nhiên, để phát huy được các tiềm năng, thế mạnh này, nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội phát triển, Hà Nội cần gỡ bỏ các rào cản làm trì trệ hay thậm chí chệch hướng phát triển. Thủ tướng chỉ ra đó là môi trường đầu tư kém thông thoáng, đặc biệt là các rào cản lớn đối với việc gia nhập thị trường và khả năng tiếp cận đất đai; bộ máy hành chính nặng nề, kém năng động, kém hiệu quả mà tổng thể đã được dân gian khái quát thành câu thành ngữ “Hà Nội không vội được đâu”.
“Trước sức ép của hội nhập, của tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách trong nước, với vai trò của thủ đô và là một trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước, lãnh đạo Hà Nội phải quyết liệt hành động, chấm dứt tư duy “Hà Nội không vội được đâu” trong nhận thức và hành xử của cán bộ, công chức, viên chức TP” - Thủ tướng yêu cầu, đồng thời đề nghị Hà Nội cần tiên phong trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước; chính quyền TP phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, chấp nhận cái mới; có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ những mô hình DN khởi nghiệp, DN sáng tạo mới…
Thủ tướng cũng đề nghị Hà Nội có quan điểm quy hoạch TP phải là sự tổng hòa của các yếu tố kinh tế, môi trường, văn hóa để phục vụ người dân và DN. Hà Nội cần đi đầu trong đổi mới việc làm quy hoạch có sự tham gia ý kiến của DN, người dân, các chuyên gia và các ngành liên quan. Khu vực DN nhà nước phải ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn.
Thủ tướng cho biết đất nước đang xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động trên tinh thần phục vụ người dân, DN; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ liêm chính, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho trong tất cả lĩnh vực; Chính phủ tập trung nhiều hơn vào xây dựng thể chế. “Quản lý điều hành bằng cơ chế, chính sách, công cụ kinh tế, hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào các hoạt động kinh tế; đề cao trách nhiệm cá nhân. Vấn đề gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bớt nhiều thủ tục hành chính
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết ngay từ tháng 6, các hồ sơ đăng ký DN qua mạng được giải quyết trong 2 ngày làm việc (giảm 1 ngày so với quy định) đối với quá trình giao dịch trên mạng. Cắt giảm 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư. Duy trì tỉ lệ DN thực hiện kê khai thuế điện tử đạt 100%; nộp thuế điện tử tối thiểu đạt 100%; giảm 20% thủ tục hành chính trong các lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và giảm 50% trong lĩnh vực quy hoạch…
Nhân dịp này, TP Hà Nội trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 nhà đầu tư với 16 dự án có vốn đầu tư trong nước và 7 dự án đầu tư nước ngoài, thuộc các lĩnh vực: viễn thông, hạ tầng cấp nước, công viên, vui chơi giải trí, nhà ở, y tế, thương mại…
Phối hợp triển khai đồng bộ
Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của thỏa thuận nhằm bảo đảm cơ sở hạ tầng mạng thông tin đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông đa chiều cho tất cả cơ quan nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý nhà nước, từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử TP Hà Nội.
UBND TP Hà Nội cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư để làm cơ sở cho việc phối hợp triển khai đồng bộ, hiệu quả hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 với 4 DN gồm: VNPT, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Công ty Thông tin di động Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội. Tổng mức đầu tư để triển khai đầu tư, hạ ngầm lưới điện trung, hạ áp đồng bộ với công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung đối với cáp viễn thông là khoảng 3.500 tỉ đồng.
Bình luận (0)