Tại khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng Tết cổ truyền cao nhất là 74.537.000 đồng/người, cũng là mức cao nhất ở Hà Nội. Mức thấp nhất tại khối này là 300.000 đồng/người. Tính bình quân, thưởng Tết Quý tỵ 2013 của khối này giảm 8,2% so với năm trước
Công nhân đang làm việc trong nhà máy sản xuất điện thoại của SamSung ở Hà Nội
Đối với khối doanh nghiệp FDI, thưởng Tết Dương lịch bình quân chỉ là 200.000 đồng/người và thưởng Tết cổ truyền bình quân là 3.709.000 đồng/người, giảm 12% so với năm trước. Trong đó, doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 66.702.000 đồng/người.
Tại khối doanh nghiệp cổ phần, vốn góp của Nhà nước, thưởng Tết cổ truyền cũng giảm gần 8%, đạt bình quân 3.145.000 đồng/người; mức cao nhất là 34,2 triệu đồng/người và thấp nhất là 200.000 đồng.
Trong khi đó, mức thưởng Tết Quý tỵ 2013 tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn giảm nhiều nhất so với năm trước, 14,5%.
Đánh giá về tình hình báo cáo thưởng Tết năm nay, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ông Phạm Minh Huân cũng cho biết Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp, dù năm nay có khó khăn, nhưng vẫn phải cân nhắc, tính toán thương Tết theo điều kiện của từng doanh nghiệp.
“Mặc dù khó khăn chung, nhưng vẫn nhiều doanh nghiệp có tình hình sản xuất kinh doanh không quá khó, lợi nhuận vẫn cao, ở các nơi đó mức thưởng chắc chắn sẽ cao, không phải tất cả mọi nơi đều thấp.”
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, lao động là nguồn lực của doanh nghiệp nên các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để chăm lo nguồn lực đó. Doanh nghiệp phải chia sẻ với người lao động, dù kinh doanh không hiệu quả nhưng doanh nghiệp vẫn phải tìm nguồn để thưởng Tết hoặc ít nhất là thanh toán khoản nợ lương để lao động về quê ăn Tết./.
Bình luận (0)