Cho rằng chính quyền bao che cho Công ty TNHH MTV Thương mại Trường Khánh (Công ty Trường Khánh) hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường, hàng trăm người dân xã Duy Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đã kéo ra chốt chặn, dựng lều bạt phong tỏa con đường dẫn vào nhà máy.
Giang hồ náo loạn vùng quê
Ông Trần Văn Tầu (SN 1970, ngụ thôn Châu Xá, xã Duy Tân) cho biết rạng sáng 26-6, khi ông cùng 5 người đang ngồi chơi cờ tại điểm chốt chặn ở giữa con đường dẫn tới Công ty Trường Khánh, bất ngờ khoảng chục đối tượng đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang ập tới. Nhóm này dùng gậy gỗ đập hết bóng điện chiếu sáng rồi ném “bom xăng” đốt cháy lều bạt và lao vào tấn công người dân.
Khi người dân sợ hãi bỏ chạy, nhóm côn đồ quay lại đập phá xe máy, xe đạp điện. Sau khi đập phá xe máy của anh Phạm Văn Duy, nhóm côn đồ còn khiêng xe quẳng xuống mương.
Xe máy của anh Phạm Văn Duy bị đập phá và vứt xuống kênh
Trước đó, người dân xã Duy Tân đã làm đơn kiến nghị gửi đến các cấp xã, huyện phản ánh nhà máy sản xuất hóa chất của Công ty Trường Khánh xả khói gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền cũng có xuống làm việc với công ty nhưng nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động, xả khí thải, khói bụi.
Không chịu nổi, từ ngày 2-5, người dân địa phương đã dựng lều, tạo vật cản phong tỏa đường vào doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Hanh (SN 1969, trú tại thôn Châu Xá, xã Duy Tân) đứng ra làm người đại diện cho các hộ dân đi khiếu nại đã bị đối tượng lạ mặt ném “bom bẩn” vào nhà trong ngày 21-6.
Người dân hiểu lầm chính quyền?
Trước vụ việc này, ông Tiêu Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn, khẳng định Công ty Trường Khánh không có quyết định giao, cho thuê đất cũng như quyết định chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh Hải Dương, thiếu các đánh giá tác động môi trường, không có cam kết bảo vệ môi trường.
Nhận được đơn kiến nghị của người dân, ngày 20-5, huyện, xã đã tiến hành lập biên bản, sau đó ra thông báo đình chỉ hoạt động của đơn vị này. Tuy nhiên, khi đoàn công tác rút đi, doanh nghiệp lại tiếp tục hoạt động.
Đến ngày 10-6, UBND huyện Kinh Môn lại ra thông báo đình chỉ sản xuất và giao các phòng ban chuyên môn cùng UBND xã trực tiếp giám sát.
Tiếp đó, ngày 21-6, giữa chính quyền địa phương, Công ty Trường Khánh và đại diện các hộ dân đã có văn bản cam kết trong 5 ngày (từ ngày 22 đến 26-6), doanh nghiệp sẽ phải tháo dỡ toàn bộ thiết bị lò nung và di chuyển thiết bị tháo dỡ ra khỏi khu vực, chậm nhất đến ngày 4-9.
Về việc người dân xã Duy Tân “tố” bị côn đồ hành hung, đập phá tài sản vào rạng sáng 26-6, ông Hồng cho hay công an huyện đang tập trung điều tra làm rõ. Vì vậy, chưa thể khẳng định người dân có bị hành hung thật không hay cố tình tạo hiện trường giả.
Theo ông Lê Văn Kha, Chủ tịch UBND xã Duy Tân, vụ nhà ông Nguyễn Văn Hanh bị tấn công bằng “bom bẩn” cũng chưa thể xác định có chính xác hay không.
Tuy nhiên, do doanh nghiệp còn chậm trễ nên người dân không tin tưởng vào chính quyền. Dù doanh nghiệp đã hạ ống khói, tháo dỡ thiết bị, UBND xã đã cắt điện nhà máy nhưng người dân vẫn phong tỏa nhà máy, không cho ô tô vào để vận chuyển hệ thống thiết bị lò nung đã tháo dỡ.
Theo ông Hồng, UBND huyện đã báo cáo UBND tỉnh Hải Dương để xin hướng xử lý, đồng thời thành lập tổ công tác do một phó chủ tịch huyện phụ trách để xem xét, giải quyết vụ việc. Ngoài ra, UBND huyện cũng sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo xã Duy Tân khi để xảy ra việc để doanh nghiệp đầu tư chui một nhà máy trên địa bàn.
Bình luận (0)