Từ giếng khoan gần nghĩa địa ở Gò Vấp
Rẽ vào một con hẻm trên đường Lê Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp - TPHCM chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy giữa khu vực dân cư đông đúc lại có một nghĩa địa rộng lớn với hàng trăm ngôi mộ. Giật mình khi thấy một phụ nữ đang thản nhiên ngồi rửa thức ăn từ vòi nước giếng khoan ngay sát bên những nấm mồ, thì người phụ nữ trả lời tỉnh bơ: “Nhiều năm qua, bà con tụi tôi ai cũng khoan giếng để lấy nước xài, cứ thấy trong là uống chẳng cần phải xét nghiệm tốn tiền”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hiện nay trên địa bàn quận Gò Vấp nhiều khu vực vẫn chưa có nước máy và số h ộ dùng nước giếng khoan chiếm trên 80%. Để có cơ sở đánh giá về chất lượng nước giếng trên địa bàn quận Gò Vấp, Báo Người Lao Động kết hợp Xí nghiệp Cấp nước Trung An tiến hành lấy nhiều mẫu nước giếng ở nhà hộ dân đem xét nghiệm tại Viện Vệ sinh – Y tế công cộng (Bộ Y tế). Kết quả thật hãi hùng, trong 10 mẫu nước giếng khoan lấy ở các khu vực gần các nghĩa địa ở quận Gò Vấp, hầu hết đều phát hiện hàm lượng amoni vượt tiêu chuẩn cho phép. Cụ thể, nước giếng ở khu vực phường 1, amoniac lên đến 9,6 mg/lít trong khi tiêu chuẩn cho phép chỉ < 1,5 mg/lít. Chưa hết, một số mẫu nước còn phát hiện nhiễm vi sinh (coliform và coliform chịu nhiệt và ecoli) rất cao, có mẫu lên đến 28 mg/lít.
Theo bà Hoàng Thị Ngọc Ngân, Trưởng Khoa Sức khỏe - Môi trường Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, việc phát hiện chất amoni và vi sinh cho thấy nước giếng khoan đã bị nhiễm chất hữu cơ. Đây là những chất có trong phân người, động vật nên có nguy cơ gây ra các căn bệnh về đường ruột rất cao. “Cách đây khoảng 5 - 6 năm, Trung tâm Y tế Dự phòng TP đã tiến hành khảo sát tình trạng nước giếng khoan ở khu vực Gò Vấp và báo động tình trạng chất nitrat phân hủy từ xác người ở những khu vực nghĩa địa và bãi chôn rác trên địa bàn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân” - bà Ngân cho biết thêm.
Đến tiềm ẩn dịch bệnh ở Bình Hưng Hòa
Dù chỉ cách không xa tuyến ống cấp nước trên đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, quận Tân Phú - TPHCM nhưng 3 năm qua gần 300 hộ dân tổ 145, khu phố 7 nằm cạnh bờ tường khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa vẫn phải tiếp tục uống nước giếng khoan. Những người dân sống lâu năm ở khu vực này cho biết, vào mùa nắng nước giếng thường bốc mùi tanh tưởi và thỉnh thoảng xuất hiện tình trạng đóng váng.
Ông Nguyễn Đinh Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, cho biết trước đây ông đã từng hướng dẫn một sinh viên làm luận văn tốt nghiệp về đề tài “Khảo sát chất lượng nước giếng khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa”. Theo kết quả xét nghiệm mẫu nước lấy ở 2 giếng khoan có độ sâu từ 35-40 m ở ấp 4, phường Bình Hưng Hòa cho thấy hàm lượng sắt trong nước cao hơn mức tiêu chuẩn cho phép. Nghiêm trọng hơn, nguồn nước ở khu vực này đã bị nhiễm chất hữu cơ vượt tiêu chuẩn cho phép. Do đó đề tài nghiên cứu đã cảnh báo “nước ngầm ở khu vực này chỉ có thể sử dụng sau khi lắng và lọc kỹ”.
Tuy nhiên, theo những người làm việc lâu năm trong ngành y tế, việc tiềm ẩn bệnh tật từ khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa rất lớn và từ trước đến nay TP chưa từng có đợt khảo sát quy mô để nhận định chính xác về mức độ ô nhiễm nước giếng khoan từ xác người phân hủy.
Uống nước có nhiều nitrat có thể gây tử vong Bác sĩ Nguyễn Lân Đính, nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết chất nitrat (có nhiều ở khu vực nghĩa địa) trong nước uống, thức ăn với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. Trẻ em uống sữa có pha nước nhiễm nitrat hoặc ăn rau quả có nhiễm chất này thường bị gián đoạn quá trình trao đổi ôxy dẫn đến hiện tượng thiếu máu, ngợp thở, nếu không cấp cứu kịp sẽ tử vong. |
Bình luận (0)