xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hai lần đối mặt De Castries

VĂN DUẨN

Tròn 60 năm kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, ký ức hào hùng về thời khắc bắt sống tướng chỉ huy quân Pháp De Castries vào chiều 7-5-1954 nay vẫn vẹn nguyên trong người lính Cụ Hồ - đại tá Hoàng Đăng Vinh

Ông Hoàng Đăng Vinh sinh năm 1935 tại xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên; hiện ở ngõ 95 khu Công binh, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ở tuổi 79, ông vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Vừa đón tôi ở cổng, ông đã bảo: “Chắc anh lại đến hỏi chuyện về Điện Biên Phủ chứ gì?!”.

“Chứng kiến tội ác của quân Pháp, tôi xung phong đi bộ đội vì uất hận và muốn thoát xiềng xích đô hộ” - ông bắt đầu câu chuyện.

Đại tá Hoàng Đăng Vinh chăm sóc hoa cảnh trong vườn nhà. Ảnh: VĂN DUẨN
Đại tá Hoàng Đăng Vinh chăm sóc hoa cảnh trong vườn nhà. Ảnh: VĂN DUẨN

 

Hoàng Đăng Vinh khởi đầu binh nghiệp vào một ngày tháng 9-1952 khi cùng những trai làng rời xã Tiên Tiến để tới huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình - nơi tiếp nhận những tân binh của Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.

Đúng 17 giờ ngày 7-5-1954, Đại đội trưởng Đại đội 360 Tạ Quốc Luật chỉ huy 4 chiến sĩ xông vào hầm chỉ huy, bắt sống tướng De Castries cùng toàn bộ sĩ quan cao cấp của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. “Vây xung quanh thì rất đông nhưng trực tiếp vào hầm bắt De Castries chỉ có 5 người, gồm Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, tôi và đồng chí Bùi Văn Nhỏ; 2 đồng chí Đào Văn Hiếu, Nguyễn Văn Nam thì làm nhiệm vụ bịt cửa hầm” - ông Vinh kể.

Khi tiến vào hầm, ông Vinh đi trước rồi đến ông Tạ Quốc Luật, ông Bùi Văn Nhỏ theo sau. Bên trong có khoảng 20 sĩ quan Pháp. Ông nhớ lại: “Chúng tôi tiến đến đâu, nhóm sĩ quan Pháp lùi lại đến đó. Khi đến giữa hầm thì dồn cục lại, có tên chui cả xuống gầm bàn”. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dùng tiếng Pháp yêu cầu chúng phải đầu hàng. Ngay lập tức, tất cả đều giơ tay, riêng De Castries vẫn ngồi im.

- Đồng chí Vinh, bắt De Castries phải hàng! Đại đội trưởng ra lệnh.

Ông Vinh tiến về phía De Castries. Mắt ông mở to, môi mím chặt, ngón tay đặt vào cò súng. Tuy nhiên, khi ông gần đến nơi thì De Castries liền đứng dậy, giơ tay ra định mời bắt tay. “Sao lại đòi bắt tay nhỉ? Bắt tay thế nào được” - ông Vinh nghĩ. Nhớ khẩu lệnh, ông liền quát: “Hô lê manh (giơ tay lên)!” và thúc mạnh khẩu tiểu liên vào bụng De Castries. Tay bại tướng lùi lại mấy bước, toàn thân run rẩy, miệng lắp bắp một tràng tiếng Pháp: “Xin các ông đừng bắn, chúng tôi đầu hàng” (ông Tạ Quốc Luật dịch lại). Toàn bộ bộ chỉ huy của quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị dẫn giải về đồi E - nơi Trung đoàn 209 đặt sở chỉ huy - để giao cho cấp trên.

“Đấy là giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi” - đại tá Hoàng Đăng Vinh nói, mắt ngời hạnh phúc.

Lần thứ hai ông Hoàng Đăng Vinh đối mặt với De Castries là vào ngày 20-5-1954 tại ATK (an toàn khu) Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) theo đề nghị từ đoàn làm phim của đạo diễn Roman Karmen (Liên Xô). Trong chiếc lán to được lợp bằng lá cọ, kê mấy chiếc bàn, ông được bố trí ngồi đối diện với De Castries. Khi mọi người đã đông đủ, một cán bộ của Cục Điện ảnh chỉ vào ông Vinh và quay sang hỏi De Castries:

- Ông có biết anh này là ai không?

- Nếu không nhầm thì tôi đã gặp người thanh niên này rồi, De Castries đáp.

- Ông có trí nhớ rất khá đấy. Chính người chiến sĩ này đã vào hầm tóm cổ ông, vị cán bộ Cục Điện ảnh nói.

Sau một thoáng tái mặt, De Castries nhìn thẳng về phía ông Vinh rồi nói: “Tôi rất hân hạnh nếu được chỉ huy những người lính dũng cảm như anh”. Ngay sau khi lời De Castries được dịch ra tiếng Việt, máu trong người ông Vinh sôi lên. Ông đỏ mặt tía tai, nhìn thẳng vào mặt De Castries, nói như quát: “Ông sao có thể chỉ huy được tôi ? Chính tôi và các đồng đội đã vào hầm tóm cổ ông mà”. Nghe dịch sang tiếng Pháp, De Castries xịu mặt, còn các thành viên trong đoàn làm phim quốc tế cùng cán bộ của ta đều cười hài lòng.

Trong 3 lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Hoàng Đăng Vinh nhớ nhất là lễ kỷ niệm lần thứ 50 chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi Đại tướng đến nơi làm lễ thì hỏi ngay: “Đồng chí Vinh có ở đây không?”. Ông Vinh được gọi đến và Đại tướng đã bắt tay ông rất chặt, rồi nói: “Sau 50 năm, còn được gặp nhau thế này là hạnh phúc lắm rồi”.

“Câu nói ấy, tình cảm ấy không phải Đại tướng chỉ dành riêng cho tôi mà là dành cho tất cả các chiến sĩ Điện Biên đấy! Nay Đại tướng đã mất nhưng tư tưởng và tình cảm của Đại tướng còn sống mãi trong chúng ta” - đại tá Hoàng Đăng Vinh xúc động.

 

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hoàng Đăng Vinh được tặng thưởng 3 huân chương gồm 1 Huân chương Chiến công hạng nhất; 2 Huân chương Chiến công hạng ba; 2 huy hiệu của Bác Hồ. Năm 1957, ông về quê Hưng Yên rồi lập gia đình và sinh được 5 người con. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Vinh là lính công binh chiến đấu ở Quảng Bình, Hà Nội và cũng được tặng nhiều huân, huy chương. Ông về hưu năm 1990 với quân hàm đại tá.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo