Nước mắt “làng triệu đô”
Nhiều gia đình ở các xã có phong trào xuất khẩu lao động mạnh của Hà Tĩnh, Nghệ An tan nát, trả giá đắt do cố chấp lao vào con đường mưu sinh ở xứ người
Xuất ngoại làm việc đã giúp diện mạo nhiều xã nghèo ở Nghệ An, Hà Tĩnh thay đổi nhanh chóng, ngày càng có nhiều tỉ phú với nhà lầu, ô tô đắt tiền. Tuy nhiên, bi kịch cũng đã xảy ra đối với nhiều gia đình.
Giàu lên nhờ xuất ngoại
Về xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vào những ngày tháng 3, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi sự thay đổi quá nhanh của người dân nơi đây. Đường làng ngõ xóm khang trang, nhà cao tầng mọc lên san sát. Trên đường xuất hiện nhiều ô tô đắt tiền. Đi vào một số xóm trong xã mà cứ ngỡ lạc vào một khu phố sầm uất ở TP Hà Tĩnh.
Quay ngược thời gian về 20 năm trước, khi chưa có phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) thì Cương Gián cũng như bao xã ven biển miền Trung khác: người dân lam lũ nhưng không đủ ăn, cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng. Khoảng năm 1995, người dân xã biển này bắt đầu sang Hàn Quốc làm việc. Nhà nào cũng có người đi, người đi trước rước người đi sau. Từ đó, cuộc sống người dân bắt đầu đổi thay, thoát nghèo, trở nên giàu có. Hiện nay, ở Cương Gián, nhà ít nhất cũng có 1-2 người, nhà nhiều thì ngoài anh em ruột còn có cháu, người trong dòng họ ra nước ngoài làm việc.
Theo thống kê của UBND xã Cương Gián, tính đến tháng 3-2016, toàn xã có gần 2.700 người đang đi XKLĐ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Đài Loan... Mỗi năm, nguồn thu ngoại tệ tính theo thu nhập tích lũy của lao động trong xã gửi về lên đến hàng trăm tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cương Gián, cho biết: “Trước đây xã rất nghèo, còn bây giờ khác hẳn, thu nhập bình quân trên đầu người đạt 35 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo vào năm 1994 trên 50%, nay giảm còn dưới 5%”.
Cũng như Cương Gián, xã Đô Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) giàu có bậc nhất xứ Nghệ nhờ nguồn thu từ XKLĐ. Xã này hiện có khoảng 2.000 người đi làm ăn ở các nước như Hàn Quốc, Đức, Nga, Thái Lan, Lào... Nhờ nguồn ngoại tệ gửi về từ nước ngoài mà đến nay, xã có trên 1.000 hộ dân xây nhà cao tầng, trong đó có nhiều nhà trị giá 20-30 tỉ đồng, hàng trăm ô tô đắt tiền. “Trước đây, người dân trong xã quanh năm vất vả vẫn không đủ ăn. Từ khi có phòng trào đi XKLĐ, bộ mặt nông thôn thay đổi hẳn, thu nhập bình quân khoảng 30 triệu đồng/người/năm” - ông Nguyễn Văn Xuyên, Chủ tịch UBND xã Đô Thành, nói.
Trả giá
Dù vậy, ẩn bên trong những ngôi nhà cao tầng ở “làng triệu đô” là nhiều câu chuyện buồn mà người dân đang phải trả giá.
Ở Cương Gián, để được ra nước ngoài làm việc, người ta bất chấp mọi giá, kể cả chuyện làm ly hôn giả. Do không được sang Hàn Quốc theo diện hợp pháp, nhiều người phải làm thủ tục ly hôn để được bảo lãnh sang làm việc. Có thời điểm ở xã này có tới hàng chục cặp vợ chồng làm thủ tục ly hôn. Phong trào ly hôn giả không chỉ có người dân mà còn rơi vào nhiều cán bộ xã. Cụ thể là trường hợp của gia đình ông Hoàng Công Tuần, nguyên phó chủ tịch xã. Năm 2008, khi 2 cô con gái của ông Tuần đã có chồng, con nhưng cán bộ tư pháp xã vẫn xác nhận còn độc thân để họ được làm thủ tục bảo lãnh sang Hàn Quốc.
Nhờ “lá bùa hộ mệnh” là giấy chứng nhận còn độc thân mà nhiều người dân xã Cương Gián đã được sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc làm thủ tục ly hôn giả cũng đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh đổ vỡ, bất hạnh. Điển hình là câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Văn T. Anh T. bàn với vợ là chị Th. làm thủ tục ly hôn để chị sang Hàn Quốc. Thời gian đầu, chị Th. thường xuyên gửi tiền về cho gia đình nhưng không lâu sau, chị Th. tuyên bố lấy chồng Hàn. Từ đó đến nay, 2 đứa con nhỏ đang ở quê nhà rơi vào cảnh bơ vơ vì mất mẹ.
Về Cương Gián, chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện buồn khác. Đó là cảnh những bà mẹ già, những người vợ trẻ phải sống cô đơn, trống vắng trong những căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. Nhiều đứa trẻ sinh sống trong sự thiếu thốn tình yêu thương của bố mẹ. Chị Lê Thị Trâm, xã Cương Gián, bộc bạch: “Chồng đi Hàn Quốc, gia đình không còn lo về kinh tế nhưng buồn, anh ấy đi biền biệt mười mấy năm; nhiều lúc vợ nhớ chồng, con nhớ cha chỉ biết ôm nhau khóc”.
Ngoài ra, không ít người ở xã Cương Gián đi XKLĐ đã phải bỏ mạng ở xứ người, trong đó có rất nhiều trường hợp thi thể không đem được về quê mai táng do người thân không có tiền hoặc chết mất xác. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cương Gián, xác nhận: “Qua thống kê, toàn xã có khoảng 50 người chết khi đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có nhiều trường hợp không đem được xác về quê”.
Kỳ tới: Chưa đổi đời đã tan nát
Khó lường hết mặt trái
Nói đến Nghệ An, Hà Tĩnh là nói đến 2 địa phương mà người dân “chịu” đi làm việc ở nước ngoài nhiều nhất. Bà Trần Thị Thanh Xuân, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Thành, cho rằng XKLĐ đã giúp nhiều gia đình thoát khỏi cuộc sống đói nghèo, góp phần phát triển kinh tế địa phương. “Tuy nhiên, mặt trái của XKLĐ cũng khó lường hết. Chúng tôi rất băn khoăn khi có nhiều gia đình, bố mẹ đi xa quanh năm, con cái ở nhà thiếu sự giáo dục, quản lý. Nhiều trường hợp đã sa vào các tệ nạn xã hội, vướng vào vòng lao lý” - bà Xuân lo lắng.
Bình luận (0)