xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hải Phòng: Một xã có hàng trăm giám đốc doanh nghiệp “ma”

Theo THÁI SƠN - THÀNH VĂN (Pháp luật TPHCM)

Không biết chữ, liệt nửa người... cũng được thuê làm giám đốc. Đã có sáu người bị bắt, bốn người đang bị truy nã.

Xã An Hòa (huyện An Dương, TP Hải Phòng) cách trung tâm TP khoảng 10 km nhưng còn là vùng nông thôn, đường sá đi lại khó khăn. Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, xã An Hòa đã xuất hiện hàng trăm giám đốc. Những vị giám đốc này chỉ việc ngồi mát ăn bát vàng, không cần biết công ty của mình kinh doanh buôn bán gì, lỗ lãi ra sao.

Khi phóng viên hỏi đường đến nhà các giám đốc trên, ông chủ quán nước đầu làng Hà Nhuận (xã An Hòa) bảo ngay: “Không có nơi nào đặc biệt như nơi này. Làng thì nghèo nhưng giám đốc của làng thì nhiều. Ở đây không cần biết chữ, thuộc diện xóa đói giảm nghèo vẫn làm giám đốc. Các chú chỉ cần đi dọc cái làng này hoặc đi qua làng Phú La, Tĩnh Thủy thế nào mà chả gặp vài ba ông giám đốc, có khi còn gặp cả chục ông ấy chứ”.

Liệt nửa người cũng làm giám đốc

Mới vào đến ngõ nhà giám đốc Lê Văn Vẩy ở thôn Hà Nhuận, phóng viên đã không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy nhà của một vị giám đốc có vốn điều lệ hàng tỷ đồng chỉ là một căn nhà cấp bốn chừng 10 m2. Nhà có hai phòng, phòng khách cũng là phòng ngủ rộng khoảng 6 m2 đủ đặt một chiếc giường buông tấm màn xanh cáu bẩn. Sau vài lần gọi, một phụ nữ có vẻ là người thân của giám đốc Vẩy chạy về. Vừa nghe nguồn cơn câu chuyện, chị bảo: “Giám đốc, giám đeo gì cái nhà ông ấy. Liệt nửa người, cả đời có đi ra khỏi cái làng này đâu mà làm giám đốc. Chung quy là bị người ta lừa cho đấy”.

Anh Vẩy bị liệt lại nói lắp, cố gắng lắm chúng tôi mới nghe được câu chuyện anh bị lừa thế nào. Trước đây, anh Vẩy kiếm sống bằng nghề mua bán chim cảnh. Cách đây hơn một năm, một số người đánh tiếng mua chim cảnh đến gặp anh Vẩy. Họ nói thấy hoàn cảnh anh đáng thương nên bảo anh giúp họ đứng tên lập doanh nghiệp để kiếm thêm thu nhập. Lúc đó, trong làng cũng đã có nhiều người làm việc này rồi. Họ chẳng phải làm gì cả, chỉ ăn rồi ngồi ở nhà mỗi tháng người ta đưa tiền thù lao đến.

img
Anh Lê Văn Vẩy bị liệt nửa người không thể đi lại được, nói năng cũng rất khó khăn đã bị lừa thuê làm giám đốc. Ảnh: THÁI SƠN

Điều kiện ràng buộc anh Vẩy với nhóm người lạ trên là đưa giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của anh cho họ. Sau một tháng, họ đem trả lại giấy tờ. Từ đó, hàng tháng họ cho người mang tiền đến cho anh, lúc thì 700-800 ngàn đồng, lúc thì một triệu đồng. “Những người khác bình thường thì được nhiều hơn, khoảng hai triệu đồng/tháng, riêng tôi tàn tật nên chỉ có vậy” - anh Vẩy nói. Được khoảng năm, sáu tháng thì không thấy họ trả tiền thù lao nữa. Đến lúc có công an đến hỏi, anh Vẩy mới té ngửa. Hóa ra lâu nay anh chỉ là người đứng ra giúp họ về tư cách pháp nhân lập công ty nhằm bán hóa đơn thuế GTGT “ma”. Sau khi bán hóa đơn xong thì công ty cũng biến mất.

Anh Vẩy cho biết mang tiếng là giám đốc nhưng anh không biết công ty kinh doanh cái gì, trụ sở đặt ở đâu. Lãnh đạo xã An Hòa xác nhận anh Vẩy thuộc diện xóa đói giảm nghèo, căn nhà cấp bốn của anh vừa được xã giúp xóa nhà tranh tre xong. Thế nhưng không hiểu sao trong giấy đăng ký kinh doanh công ty của anh Vẩy lại có số vốn điều lệ lên tới 1,2 tỷ đồng.

Chưa thống kê hết các giám đốc thuê

Ngoài trường hợp giám đốc Vẩy, xã An Hòa còn rất nhiều giám đốc khác cùng cảnh ngộ. Anh Trịnh Văn Đường ở thôn Phú La được người ta thuê làm giám đốc với mức lương hai triệu đồng/tháng nhưng hàng ngày vẫn tiếp tục làm thợ xây, ở nhà cấp bốn. Ngô Văn Trình ở thôn Hà Nhuận dù đang ngồi trong trại tạm giam về tội buôn bán hóa đơn thuế GTGT nhưng không hiểu bằng cách nào vẫn được người khác thuê và đứng ra lập công ty...

Theo ông Trương Văn Dũng, Trưởng công an xã An Hòa, việc người dân trong xã được thuê làm giám đốc đứng ra lập doanh nghiệp không thông qua xã. Mặt khác, trụ sở của các doanh nghiệp không đóng ở xã mà đóng tại nhiều nơi nên không ai biết “mặt mũi” của các công ty đó ra sao cả. Do đó, xã chưa thể thống kê được cụ thể số người bị thuê đứng tên giám đốc doanh nghiệp “ma”.

Chỉ biết với hành vi tiếp tay cho các doanh nghiệp “ma” mua bán hóa đơn GTGT, đến nay trong xã đã có sáu người bị bắt là Ngô Văn Trình, Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Văn Khoái, Phạm Văn Nghị, Lưu Văn Nhiệm. Bốn người khác đang bị truy nã là Ngô Văn Khương, Hồ Viết Bôn, Trần Thị Giang, Phạm Văn Duy. Được biết, nghề làm giám đốc thuê và các doanh nghiệp “ma” tại huyện An Dương bị phát hiện khi tỉnh Quảng Ninh truy quét than lậu. Các doanh nghiệp “ma” được lập ra nhằm mục đích hợp thức hóa việc buôn bán than lậu.

Năm 2005, TP Hải Phòng chỉ có 700 doanh nghiệp, đến nay đã có khoảng 13.000 doanh nghiệp. Trong đợt khảo sát mới đây tại ba quận, huyện đối với 269 doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã phát hiện 76 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ khai báo, 84 doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không khai báo với cơ quan chức năng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo