Phối cảnh nút giao thông Thủ Đức - TPHCM theo phương án hầm chui
Xem xét lại các phương án
Trước tình hình giao thông phức tạp tại ngã tư Thủ Đức, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất giải pháp tình thế là xây dựng cầu vượt bằng thép dọc xa lộ Hà Nội để “giảm nhiệt” cho khu vực này. Theo thiết kế, cầu dài 570m, rộng 16 m, chia thành 4 làn xe và tuổi thọ 100 năm. Tổng vốn của dự án này là 277 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách TP.
Tuy nhiên, để bảo đảm mỹ quan đô thị và phù hợp với quy hoạch, UBND TPHCM cho rằng cần phải so sánh, lựa chọn giữa nhiều phương án khác nhau để công trình đạt được hiệu quả như mong muốn.
Hầm chui, cầu vượt: Cái nào lợi hơn?
Phân tích của các chuyên gia cho thấy ngã tư Thủ Đức là đỉnh dốc hướng từ Bình Thái lên Thủ Đức, vì vậy, việc xây dựng cầu vượt sẽ làm tăng thêm độ dốc của tuyến đường. Độ dốc của cầu vượt dự kiến xây khoảng 5,5%, cao hơn cả độ dốc của cầu Phú Mỹ. Với độ dốc này, xe container, xe tải nặng chắc chắn sẽ phải “bò” khi lên cầu. Trong khi đó, nếu xây hầm chui theo hướng xa lộ Hà Nội thì độ dốc nhỏ hơn 0,5%, an toàn cho xe đi lại. Ngoài ra, địa chất khu vực ngã tư Thủ Đức khá tốt nên làm hầm chui 8 làn xe, chiều dài hơn cả cầu vượt thép cũng chỉ mất khoảng 400 tỉ đồng.
Trong trường hợp xây cầu vượt thép theo hướng xa lộ Hà Nội, giao thông theo hướng Lê Văn Việt - Võ Văn Ngân sẽ được “giải nhiệt” bằng hầm chui. Tuy nhiên, do hầm chui này đi qua tuyến cống thoát nước D2000 và nằm khá sâu nên phải có trạm bơm đi kèm. Do đó, việc thi công rất phức tạp và tốn kém, chưa kể chi phí bảo dưỡng sau này.
Trước đây, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2 đã hoàn tất bước lập dự án nút giao thông Thủ Đức nhưng do TP khó khăn về vốn nên không thể thực hiện. Vì vậy, trong đề án huy động vốn cho các dự án hạ tầng giao thông của TP, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP (CII) cũng đã đề xuất làm hầm chui qua ngã tư Thủ Đức theo hướng xa lộ Hà Nội nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông tại khu vực trên.
Gấp rút xây dựng nút giao thông Hàng Xanh Khi hoàn thành dự án cầu Sài Gòn 2, xa lộ Hà Nội, cầu Rạch Chiếc mới, lưu lượng giao thông hướng Đông Bắc TP sẽ tăng đột biến nên cần đầu tư nút giao thông Hàng Xanh. UBND TPHCM giao Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư, quy mô xây dựng và phân kỳ đầu tư chặt chẽ để phát huy hiệu quả tổng hợp giữa các nút giao thông Hàng Xanh, ngã năm Đài Liệt sĩ và nút giao thông Bình Quới - Thanh Đa. |
Bình luận (0)