Các nhà theo dõi thủy văn nhận định, hiện tượng xâm nhập mặn năm nay diễn ra bất thường và sớm chưa từng có.
Giống lúa chịu được độ mặn lên đến 10‰, thích nghi với xâm nhập mặn đã được
thử nghiệm thành công tại huyện Hồng Dân - Bạc Liêu. Ảnh: DUY NHÂN
Khắc nghiệt nhất trong lịch sử
Tại Sóc Trăng, hạn và mặn đang ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của hàng chục ngàn hecta lúa đông xuân ở các tuyến giáp ranh huyện Ngã Năm với tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh đó, trên 20.000 ha lúa ở một số xã dọc theo tuyến kênh Long Phú - Tiếp Nhật ở các huyện Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên... cũng đang có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của mặn xâm nhập và khô hạn.
Các ngành chức năng nhận định xâm nhập mặn ở ĐBSCL tới sớm và khắc nghiệt nhất trong lịch sử bởi mùa lũ năm trước nhỏ và gió chướng hoạt động mạnh. Từ giữa tháng 2-2013, nhiều vùng cách biển khoảng 30 km gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ các cửa sông; kể từ tháng 3, 4 và 5, các vùng cách biển trong phạm vi từ 45-50 km có thể thiếu nước sinh hoạt.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Bến Tre, trên sông Cửa Đại, tại huyện Bình Đại, độ mặn cao nhất từ 27‰-30‰, xã Lộc Thuận 13‰-16‰, xã Long Hòa 2‰-3,5‰... Trên sông Hàm Luông, độ mặn tại xã An Thuận từ 27‰-30‰, còn tại Vàm Mơn (huyện Chợ Lách) từ 0,1‰-1‰. Trên sông Cổ Chiên tại Bến Trại có độ mặn từ 27‰-30‰; xã Nhuận Phú Tân 0,5‰-2‰.
Ranh mặn 4‰ trên các sông chính có khả năng lên đến xã Giao Long - Quới Sơn (sông Cửa Đại), xã Thành Thới A, Thành Thới B (sông Cổ Chiên)... Trong khi đó, tại Trà Vinh, độ mặn ở các cống đầu mối tăng cao so với cùng kỳ từ 0,8‰-8‰. Theo Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác các công trình thủy lợi Trà Vinh mặn xâm nhập sâu vào nội đồng từ 40-50 km, gây khó khăn cho sản xuất vụ lúa đông xuân, nhất là các khu vực cuối nguồn tiếp nước ngọt.
Để bảo vệ trên 64.500 ha lúa đông xuân và hơn 25.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó khoảng trên 30.000 ha lúa đông xuân đang giai đoạn trổ đòng có khả năng bị thiếu nước và nhiễm mặn, ngành chức năng tỉnh Trà Vinh chủ động ngăn mặn, tiếp ngọt, kết hợp ngăn triều cường tại các cống đầu mối Cần Chông (sông Hậu), Láng Thé (sông Cổ Chiên), hạn chế thấp nhất mặn xâm nhập.
Học cách thích nghi
Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nếu nước biển dâng cao 30 cm, diện tích đất nông nghiệp ở ĐBSCL sẽ chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn trên 50.000 ha, dẫn tới khả năng mất 120.000 tấn lúa. Trong trường hợp xấu nhất, diện tích ngập mặn có thể lên đến 500.000 ha, nông dân sẽ mất trắng 1 triệu tấn lúa.
Không cần chờ đến khi nước biển dâng 30 cm, 50 cm hay 1 m, xâm nhập mặn khắc nghiệt đã là chuyện quen thuộc với nông dân ĐBSCL trong nhiều năm qua. Do đó, việc ứng phó với mặn là vấn đề sống còn của sản xuất nông nghiệp. Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất vụ đông xuân 2012 - 2013 khu vực ĐBSCL vừa diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu, nhiều chuyên gia đã đề xuất các giải pháp để sử dụng đất nông nghiệp một cách tối ưu, như thay đổi thời vụ, kỹ thuật canh tác và cây trồng cũng như sản xuất những giống cây trồng có khả năng kháng mặn cao...
ThS Phạm Thanh Vũ, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Trường ĐH Cần Thơ, đề xuất đối với những vùng thời gian xâm nhập mặn kéo dài và độ mặn cao thì phải chuyển đổi sang mô hình trồng lúa nuôi tôm và nếu ngập mặn trên 7 tháng thì chuyển qua mô hình chuyên tôm. Đối với các vùng đã có các công trình hiện hữu như đê bao, ngọt hóa triệt để thì vẫn giữ mô hình trồng 3 vụ lúa. Còn đối với những vùng có điều kiện đất phù sa thì phát triển mô hình canh tác 1 lúa 1 màu.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là giải pháp thích nghi lâu dài và đã được tỉnh Sóc Trăng triển khai, sử dụng các giống lúa chịu mặn trong mô hình luân canh tôm - lúa. Tuy nhiên, việc thực hiện các mô hình này chỉ áp dụng trong điều kiện độ mặn trong đất thấp. Trong khi đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đang tìm cách nhân rộng 2 giống lúa siêu chịu mặn tại huyện Hồng Dân. Đây là những giống lúa đã được các nhà khoa học của Trường ĐH Cần Thơ thử nghiệm thành công trên vùng đất mặn nhất tỉnh với độ mặn lên đến 10‰ và đã chuyển giao cho UBND huyện Hồng Dân nhân rộng mô hình trong 2 năm qua.
Cứu lúa, mất tôm
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi Bạc Liêu, từ tháng 3 đến tháng 5-2013, Bạc Liêu sẽ xảy ra xâm nhập mặn rất lớn. Nước mặn từ hướng biển Tây đẩy tới Ngã Năm (Sóc Trăng) có thể tăng lên từ 10‰-12‰. Khi cần thiết phải đóng cống để giữ ngọt cứu lúa, vì thế, nhiều khả năng thiếu nước mặn nhất thời cho nuôi tôm. “Nông dân vùng lúa cần chuẩn bị máy bơm để lấy nước lên ruộng kịp thời. Đồng thời chú ý các bản tin, thông báo của ban chỉ đạo sản xuất tỉnh để bơm nước vào ruộng và có kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm” - ông Minh khuyến cáo. |
Bình luận (0)