Chuyện hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra không phải là không được tính trước. Khi một số nước, nhất là Trung Quốc, ngăn dòng Mê Kông (Trung Quốc gọi là Lan Thương) để xây hàng chục đập nước, những tổ chức môi trường, tiêu biểu là Ủy ban sông Mê Kông (Mekong River Commission), đã có những hội thảo lên tiếng cảnh báo, phản ứng, ngăn chặn nhưng mọi việc gần như bất thành.
Chiến lược phát triển vị kỷ đó đang để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng. Những dải đồng bằng phía hạ nguồn thiếu nước sản xuất, vựa lúa lớn ở phía hạ du của dòng sông đã trở nên kiệt quệ. Vào mùa mưa, nơi đây chính là vùng gánh chịu những tổn thất nghiêm trọng bởi lũ lụt. Chắc chắn an ninh lương thực của nhiều vùng trong khu vực bị thử thách nghiêm trọng.
Việc kêu gọi xả nước đẩy mặn cho hạ nguồn dòng Mê Kông có thể nói là tiếng kêu vô vọng trong tình trạng hiện tượng El Nino đang ngày một gia tăng, môi trường không còn hài hòa. Những tác động dây chuyền do sự can thiệp vào tài nguyên của những chính sách phát triển bất chấp bền vững đang đẩy môi trường đến chỗ đầy rẫy những nguy cơ khó lường. Và gánh chịu, không ai khác, chính là những người dân nghèo vô tội.
Từ nghèo nàn đến bần cùng hóa là chuyện có thể thấy được trong kịch bản đầy khốc liệt này.
Nhưng mọi việc gần như đã quá muộn khi mà các quốc gia không cùng nhau chia sẻ một vận mệnh chung trong phát triển, khi tính vị kỷ trong những mục tiêu phát triển nhất thời khiến cho một số nước cố lờ đi mối dây liên đới hay tương quan với sinh mệnh của người dân ở những quốc gia khác. Từ đó, thảm họa nhân đạo đôi khi không còn là ở chỗ trực tiếp đẩy con người vào chỗ chết mà khủng khiếp hơn, là ngấm ngầm bứng con người khỏi các vùng sinh tồn yên ổn bằng những tác động mang tính đầu độc môi trường.
Việc xả đập thủy điện để cứu hạn của Trung Quốc gần đây được nhiều người tiếp nhận như một tin vui. Hẳn nhiên, trước hết, trong tình cảnh người dân kiệt quệ vì hạn, mặn thì đó là tin vui, theo nghĩa có còn hơn không. Nhưng cũng cần tư duy sòng phẳng theo một hướng khác: Trung Quốc cần phải coi đó không phải là sự ban ơn với người dân ở quốc gia khác mà là trách nhiệm với quốc tế.
Trở lại câu chuyện về toàn cầu hóa. Từ đây, toàn cầu hóa không thể chỉ dừng ở nghĩa đen, là sự giao thương, giao lưu của hàng hóa và con người ở các quốc gia trên thế giới với nhau mà cần phải hiểu ở phương diện sâu hơn, là sự chia sẻ không gian liên đới với những giá trị bền vững và văn minh, đạo đức trong phát triển.
Câu chuyện dòng sông Mê Kông có thể là một điển hình để kể về sự chọn lựa chất lượng phát triển của các quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa. Sự bền vững mới là giá trị mà các quốc gia cần theo đuổi, chứ không phải là những con số khô khan hãnh tiến bằng mọi giá để có được.
Bình luận (0)