Chiều 7-11, có mặt tại xã Song Xoài, huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) phóng viên ghi nhận một diện tích rất lớn bưởi da xanh có hiện tượng vàng lá, thối rễ, thậm chí có nhiều cây đã bị chặt hạ do không phát triển được.
Hiện tượng vàng lá có thể xảy ra trên một vài nhánh hay trên toàn cây, rễ của cây thường cắm sâu xuống đất, cây còi cọc, cành thẳng lên cao, dễ rụng lá khi bị lay động hay mưa và chết dần nếu không có biện pháp can thiệp.
Anh Nguyễn Hoàng Ân (ngụ ấp Song Xoài 1, xã Song Xoài) cho biết, từ tháng 3-2016 đến nay, khoảng 2 ha bưởi da xanh của gia đình anh thì đến 60% có hiện tượng vàng lá, thối rễ và chết. Đến nay, hiện tượng trên vẫn tiếp tục diễn ra khiến anh vô cùng lo lắng. ”Cứ sau một đợt mưa lớn, sau đó thời tiết nắng thì hiện tượng vàng lá, thối rễ lại nghiêm trọng hơn. Có những cây tôi biết sớm thì có biện pháp phòng như cắt cành, bón phân nhưng cũng nhiều cây tôi đành chặt bỏ. Tôi chưa thống kê thiệt hại nhưng nếu chặt bỏ cây bệnh thì coi như mất trắng”- anh Ân kể.
Anh Ân nói thời gian đầu mới trồng bưởi da xanh, gia đình anh chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, giống bưởi gì cũng mua về để trồng và chưa học kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc nên phần nhiều cây đều còi cọc, phát triển chậm, gặp sâu bệnh thì nhanh chết. Sau khi đã được tập huấn về cách trồng bưởi, anh Ân dự định sẽ cưa đi hết số gốc bưởi đã trồng được 2 năm bị nhiễm bệnh để trồng giống mới.
Không riêng gì hộ anh Ân, hộ của ông Nguyễn Văn Đa cũng gặp cảnh tương tự khi hơn 1/3 diện tích bưởi của ông bị bệnh nặng, có loại đã được 4 năm và có quả, cũng có nhiều cây từ 2-3 năm. Theo ông Đa, nguyên nhân có thể xuất phát từ chất đất, giống cây, ảnh hưởng của bộ rễ nhưng nếu không có biện pháp ngăn chặn sâu bệnh thì sẽ lây lan rất nhanh. Tại xã Song Xoài, đa số các hộ trồng bưởi đều có hiện tượng nhiễm bệnh này. So với năm ngoái, thì Tết năm nay vụ bưởi gia đình ông Đa sẽ thất thu hơn.
Trước thực trạng trên, nhiều người đã tự trị bệnh cho cây bằng cách mua thuốc chống sâu bệnh đổ vào rễ hay xịt lên lá để khống chế bệnh nhưng vẫn không giải quyết được mầm bệnh, bởi chỉ sau một thời gian ngắn thì cây lại tiếp tục vàng lá, thối rễ.
Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Thành, có khoảng 50 ha- 60 ha bưởi bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ trong đó từ 2 ha- 3 ha bị bệnh nặng. Khi gặp mưa lớn, cây bưởi không thể chống chịu được và chết.
Một cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Thành nhận xét hiện tượng bưởi chết trong thời gian qua không phải do mưa, nguyên nhân của tình trạng trên là do những năm gần đây bưởi luôn được xử lý quanh năm khiến sức đề kháng của cây yếu đi, ngoài ra người trồng bưởi cũng không thực hiện đúng quy định chăm sóc nên dễ bị nấm bệnh tấn công và chết.
Để phòng trị bệnh cho cây bưởi, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân nên chú ý lối thoát nước cho cây trong mùa mưa, bổ sung lượng vôi vừa đủ cho cây và tăng cường nhiều biện pháp bón phân, tỉa cành, loại bỏ cành bệnh để tăng sức đề kháng cho cây…
Hàng năm, Trạm bảo vệ thực vật huyện Tân Thành cũng tổ chức nhiều đợt tập huấn về kỹ thuật trồng bưởi cho người dân. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không tham gia hoặc không thực hiện theo đúng hướng dẫn như đã học.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!