Ngày 9-1, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cùng với đại diện Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn kiểm tra, thu giữ gần 2.200 chiếc mũ bảo hiểm giả tại một cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trên đường Đinh Núp (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Khó biết là giả
Số mũ bảo hiểm trên giả nhãn hiệu, kiểu dáng, chỉ dẫn địa lý của Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn. Tại thời điểm kiểm tra, ông Trần Thanh, chủ cơ sở, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, các thủ tục đăng ký kiểm chứng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa.
Trước đó, chiều 7-1, qua tin báo, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk kiểm tra đột xuất các cửa hàng bán mũ bảo hiểm tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, phát hiện gần 500 chiếc mũ bảo hiểm giả nhãn hiệu Nón Sơn. Theo một chủ cửa hàng, số mũ bảo hiểm này được mua trôi nổi tại TP HCM, bày bán chung với mũ bảo hiểm Nón Sơn để kiếm lời.
Không chỉ mũ bảo hiểm giả, những ngày gần Tết, nhiều loại hàng hóa bị làm giả, nhái, kém chất lượng được tư thương ùn ùn đưa về các tỉnh Tây Nguyên. Sáng 9-1, tại khu vực gần trụ sở UBND xã Alabá, huyện Chư Sê, xuất hiện một ô tô chở đầy hàng điện tử, gia dụng. Chiếc xe như một siêu thị lưu động, mở loa inh ỏi nhằm thu hút người dân. Người bán liên tục giới thiệu về những chương trình khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá từ 30%-50%, mua trả góp 0 đồng, đổi cũ lấy mới... Ham rẻ, nhiều người mua đến 2-3 sản phẩm. Bà Lương, người dân địa phương, khoe mua chiếc bếp gas giá 2,2 triệu đồng. “Mua trả góp 0% nên chỉ trả trước 220.000 đồng cho tháng đầu tiên. Một lúc bỏ hơn 2 triệu đồng thì không có nhưng chia nhỏ như vậy cũng dễ thở” - bà Lương phân trần. Ông Dũng (ngụ xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) cũng nhanh chóng lựa chọn cho mình một nồi cơm điện. Ông có chiếc nồi mới sau khi đổi nồi cũ và bù thêm 200.000 đồng. “Chẳng biết nó có tốt không nhưng cứ lấy về xem sao” - ông Dũng tặc lưỡi.
Theo tìm hiểu, hầu hết các sản phẩm tuồn về bán lưu động tại các huyện vùng cao của Gia Lai, Đắk Lắk... không rõ nguồn gốc xuất xứ, vì ham rẻ nên bà con mua về sử dụng chứ không quan tâm đến chất lượng ra sao. Bà Nguyễn Thị Lệ - một người dân ở TP Pleiku, tỉnh Gia Lai - bức xúc: “Cũng vì ham rẻ mà tôi mua một bếp điện từ với giá 400.000 đồng nhưng chỉ sau 2 lần sử dụng thì chiếc bếp bị hỏng”.
Chính hãng phải “ra quân”
Vừa qua, lực lượng QLTT tỉnh Lâm Đồng kiểm tra và thu giữ trên 7.000 áo len tại một cơ sở kinh doanh trên đường Đoàn Thị Điểm, phường 4, TP Đà Lạt. Trên mỗi chiếc áo có ghi tiếng Trung Quốc nhưng chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng minh được nguồn gốc của sản phẩm.
Tại TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, lực lượng QLTT mới đây cũng kiểm tra một cửa hàng ở phường Lộc Tiến, phát hiện gần 3.000 đồ chơi bạo lực của trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ nên lập biên bản thu giữ và đưa đi tiêu hủy.
Ông Nguyễn Kiến Thiết, Chi cục phó Chi cục QLTT tỉnh Lâm Đồng, cho biết dịp cuối năm là thời điểm phức tạp nhất trong đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại. “Ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của bà con chưa cao, có tâm lý thích hàng giá rẻ nên bị tư thương lợi dụng, đưa hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng về tiêu thụ” - ông Thiết nói. Theo ông Thiết, do địa bàn nông thôn rộng, hoạt động kinh doanh tự phát nên rất khó kiểm tra, xử lý.
Trên thực tế, để chống lượng hàng gian, hàng giả có chiều hướng gia tăng trong dịp Tết, một số doanh nghiệp sản xuất phải “tung quân” để phát hiện rồi báo cơ quan chức năng, như trường hợp của Nón Sơn. Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, cho hay do sản phẩm bị làm giả tràn lan nên công ty đã phải lập “lực lượng trinh sát” về các địa phương nắm tình hình. “Các sản phẩm làm giả rất tinh vi, giả mạo từng chi tiết nhỏ nhất, bà con rất khó phát hiện” - ông Tý nhận xét.
Theo ông Tý, nếu chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không quyết liệt vào cuộc thì khó ngăn chặn hàng gian, hàng giả đang tung hoành các vùng quê.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Ông Lê Hồng Hà, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Gia Lai, cho biết đối với các mặt hàng điện tử, bếp gas, nồi cơm điện… bán lưu động tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nếu người bán không xuất trình giấy tờ hợp pháp. “Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm về chất lượng sản phẩm, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng để kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý nghiêm” - ông Hà nhấn mạnh.
Bình luận (0)