Ông Trương Huy Kiên - nhân viên địa chính xã Nghĩa Xuân, kiêm tổ trưởng vay vốn xóa đói giảm nghèo nắm lấy cơ hội này để “đục nước béo cò”.
Chị Hồ Thị Sáu (xóm Dinh) nộp cho Kiên 2,6 triệu đồng, nhờ “đổi sổ xanh lấy sổ đỏ”, tiền giao tại nhà. Chưa đầy 1 tháng, Kiên đã mang về cho chị tấm sổ đỏ số hiệu AB890665.
Chị Sáu kể: “ông Kiên nhiều lần gặp tôi, gợi ý, nếu năm 2005 không làm sổ đỏ thì sang năm đất sẽ thuộc về… Nhà nước! Toàn xã Nghĩa Xuân có hàng trăm hộ gia đình nộp tiền, nhờ Kiên làm bìa đỏ”. Bà Cảnh Thị Dung (xóm Phượng) đưa cho Kiên 500.000đ, tiền giao tại nhà riêng, trong vòng vài tuần đã làm xong “sổ đỏ” (số hiệu AB890784).
Bà Dung kể: “Tôi là nhân viên Trạm y tế xã. Nhiều người đến khám bệnh, bảo họ đã bị lừa, mất tiền làm sổ đỏ giả”. Ông Ngô Minh Phương và bà Cao Thị Hiệp (xóm Thành Xuân) cũng được Kiên “cấp” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số hiệu AB890723, thực tế là sổ đỏ giả.
PV báo Tiền Phong xác minh tại Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Qùy Hợp, phát hiện “sổ đỏ” mang số hiệu AB890665 (cấp cho chị Hồ Thị Sáu); AB890784 (mang tên Cảnh Thị Dung); AB890723 (mang tên Ngô Minh Phương, Bùi Thị Hiệp)…không lưu trong hồ sơ gốc của địa chính huyện Quỳ Hợp.
Năm 2005, toàn huyện Quỳ Hợp chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 149 hộ, vì thế số vào sổ địa chính ghi trên 3 “bìa đất” nói trên, đều là số không có trong sổ lưu ở Phòng Tài nguyên - Môi trường địa phương.
Ngoài ra, trong lúc thẩm định thủ tục vay vốn, Ngân hàng NN&PTNT huyện Quỳ Hợp phát hiện 5 chiếc sổ đỏ giả có địa chỉ tại xã Nghĩa Xuân.
Những chiếc bìa giả chúng tôi thu thập tại Nghĩa Xuân, dấu đỏ có đặc điểm giống với con dấu UBND huyện Quỳ Hợp, bị lõm một góc, dấu vết để lại sau lần cô văn thư UB huyện vô tình đánh rơi. Nhưng chữ ký trên bìa mang tên Cao Văn Chính -Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, lại có dấu hiệu giả mạo.
Chúng tôi đưa cho ông Chính xem sổ đỏ giả thu thập được, ông Chính nói: “Chữ ký này hơi run, chữ ký của tôi sắc nét hơn”.
Ông Chính cho biết thêm: “Gần đây dư luận cho rằng, ông Kiên địa chính xã Nghĩa Xuân làm bìa đỏ cho dân, nhưng không có hồ sơ thủ tục tại Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện, chúng tôi đã giao cho cơ quan chức năng xác minh. Tôi cũng đã trao đổi với Công an huyện, nếu cá nhân nào vi phạm hình sự thì phải khởi tố vụ án, xử lý nghiêm”.
Trương Huy Kiên trực tiếp nhận tiền của nhiều hộ dân để “cấp sổ đỏ”, chính anh ta là một mắt xích quan trọng mà cơ quan pháp luật cần làm rõ. Nếu con dấu đóng trên bìa giả là dấu của UBND huyện, thì ai là người tiếp tay cho ổ nhóm làm sổ đỏ giả?
Hiện nay, Trương Huy Kiên đang theo học lớp “nâng cao tay nghề địa chính” tại Bỉm Sơn – Thanh Hóa.
Bình luận (0)