Tin thời tiết trên đài báo 380C ở các tỉnh Bắc miền Trung. Lại thêm gió Lào, thứ gió nóng hực làm cháy sém những đọt lá non, thổi suốt ngày đêm. Từ Hà Nội, biết Hà Tĩnh đang nóng lắm song cả đoàn chúng tôi gồm hơn 30 người trong Đảng ủy, UBND, MTTQ, CĐ và nhân dân phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy vẫn hạ quyết tâm phải đến thắp một nén nhang cho 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) anh hùng ở ngã ba Đồng Lộc nhân Ngày Truyền thống TNXP 15-7 và Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7.
Đoàn cán bộ và nhân dân phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy - Hà Nội làm lễ dâng hương ở ngã ba Đồng Lộc
Như lời nhắc nhủ
Trong đoàn không phải tất cả đều đến Đồng Lộc lần đầu, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy một điều gì đó thôi thúc, như một nhu cầu của tâm linh. Người đã từng tới đây thì muốn chuyến đi như một dịp tảo mộ hằng năm; người đến lần đầu thì muốn tự tay thắp một nén nhang trên 10 ngôi mộ, tự tay nhặt một ngọn cỏ bám ở kẽ gạch... như một cuộc hành hương thực sự.
Từ Hà Nội, xuất phát lúc 23 giờ một ngày nghỉ cuối tuần, sáng sớm hôm sau chúng tôi tới địa đầu Hà Tĩnh. Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy tượng đài TNXP cao vòi vọi trên nền trời xanh thẳm. Những người đã từng đến đây thầm thì nhắc tới những công trình mới được bổ sung. Quanh hàng mộ của 10 cô gái anh hùng đã có thêm Bảo tàng TNXP được nâng cấp hoành tráng hơn, một nhà tưởng niệm rất đẹp, ở giữa là tấm bảng lớn khắc toàn văn bài văn tế vừa sâu lắng, thâm thúy vừa hào hùng của giáo sư - anh hùng lao động Vũ Khiêu. Hai bên là hai tấm bảng chạy suốt mặt tường ghi danh sách những liệt sĩ TNXP toàn quốc và các liệt sĩ hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, có đầy đủ quê quán.
Việc đầu tiên của tất cả chúng tôi là thắp hương và mặc niệm những liệt sĩ anh hùng trẻ tuổi. Trên mộ chí của từng ngôi mộ đều có chân dung của từng người, với đầy đủ tên tuổi. Tính đến ngày hy sinh, 24-7-1968, chỉ trước Ngày Thương binh - Liệt sĩ đúng 3 hôm, có người chỉ mới 17 tuổi như đội viên Võ Thị Hà; lớn nhất cũng chỉ 24 xuân xanh như tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, tiểu đội phó Hồ Thị Cúc và đội viên Nguyễn Thị Nhỏ.
Khi xây dựng nghĩa trang này, địa phương đã làm một việc đáng trân trọng và biểu dương: Giữ nguyên hố bom mà máy bay Mỹ ném trúng ngôi hầm các cô gái TNXP vào lúc 16 giờ ngày 24-7-1968 ở kề bên, mãi mãi như một lời nhắc nhủ những người hiện còn sống và đến đây hành hương. Từng ngôi mộ đều có bát hương và các di vật còn sót lại của những người anh hùng : một chiếc gương soi nhỏ có thể nằm gọn trong lòng bàn tay, một mảnh lược gãy, mấy trái bồ kết khô có lẽ cất trong hầm để dành gội đầu...
Chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu...
Chúng tôi kính cẩn thắp nhang cho từng ngôi mộ, lặng lẽ đứng đọc tấm biển ghi lại toàn văn bài thơ Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc của nhà thơ Vương Trọng dựng ngày 6-7-1995 với những câu xé lòng: Cần gì ư? Lời ai hỏi trong chiều/ Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/ Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang... Bên dưới có dòng chữ của đại tá Nguyễn Tiến Tuấn, Công an tỉnh Hà Tĩnh: “Sau khi đọc lời thỉnh cầu này, tôi đã trồng 2 cây bồ kết ở 2 đầu nghĩa trang”.
Nhà Bảo tàng TNXP khá rộng nhưng mọi người hình như dồn hết lại phòng kỷ niệm của 10 liệt sĩ anh hùng. Cô thuyết minh nói qua chiếc loa điện nhưng vẫn giữ một âm lượng vừa đủ nghe, chậm rãi kể lại những giờ phút cuối cùng của những cô gái TNXP anh hùng. Tiếng thuyết minh nghẹn trong nước mắt của cả người nói và những người nghe. Mấy chiếc quạt trần chạy hết công suất nhưng cũng không xua được cái nóng của bầu trời Hà Tĩnh và những cơn gió Lào hầm hập... Mặc, cả đoàn người vẫn đứng im phăng phắc như nuốt từng lời, dẫu áo đều đang đẫm mồ hôi. Những chiếc khăn tay được rút ra để chấm vội những giọt nước mắt của các mái đầu đã bạc, có cả tiếng thút thít của những cô gái, chàng trai còn trẻ trong đoàn.
Để giành được độc lập, tự do, cả nước đã có tới 1,1 triệu liệt sĩ, trong đó còn hơn 300.000 người chưa tìm ra được hài cốt và hơn 600.000 thương binh. Trên thế giới này, thử hỏi đã có dân tộc nào, đất nước nào phải gồng mình trong suốt mấy thập kỷ, chịu đựng những tổn thất, hy sinh to lớn như dân tộc VN, đất nước VN ta? Đồng Lộc chỉ là một địa chỉ cụ thể, một tấm gương cụ thể trong muôn vàn địa chỉ, muôn vàn tấm gương xả thân vì đất nước của mọi miền mà thôi.
Đứng ở ngã ba Đồng Lộc, đứng bên mộ của 10 cô gái TNXP anh hùng, những cán bộ và nhân dân phường Quan Hoa chúng tôi đã suy ngẫm như thế, thầm thì tâm sự với nhau như thế. n
Hiến dâng tuổi xuân cho đất nước Hình như mọi ngôn từ đã đọc, đã viết trong hàng chục năm qua của mọi người đã trở nên bất lực ở nơi này, bởi không thể nào diễn tả được hết những điều ta đang nghĩ, đang suy ngẫm. Trong số những liệt sĩ đã được truy tặng danh hiệu anh hùng này, tất cả đều chưa có chồng, chưa có người yêu, hay đúng hơn là chưa kịp yêu, chưa kịp biết hương vị của một nụ hôn đầu đời. Nhưng khi đất nước cần, họ không đắn đo bước vào “túi bom”, đứng đếm từng trái chưa nổ để cắm cờ báo hiệu cho những đoàn xe vào chiến trường. Giờ phút ấy, chúng tôi chợt nhớ đến cụm từ “hiến dâng tuổi xuân cho đất nước”, dù ai đó đã cho rằng nói như vậy là “làm văn”, “dùng từ sáo mòn”... Bởi, nếu không nói thế thì biết diễn tả thế nào cho đúng hơn, cho thỏa tâm linh hơn đây? |
Kỳ tới: Hải Thượng lẫy lừng
Bình luận (0)