khiến nhiều đời bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) day dứt. Chắc chưa ai quên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân lúc đương nhiệm đã tuyên bố rằng đến năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng lương. Thực tế đến năm 2010, tại kỳ họp Quốc hội tháng 6 năm đó, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết có chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân về lời hứa này và được bộ trưởng trả lời: “So với năm 2006, đến nay (2010), lương giáo viên đã tăng gấp 2,1 lần, vào khoảng 2,5-4 triệu đồng/tháng, cao hơn so với các ngành khác”.
Đúng như lời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói, lương giáo viên khi đó có tăng lên nhưng với mức đó, giáo viên vẫn không thể sống được.
Vậy thì đến bao giờ giáo viên có thể sống được bằng lương? Câu hỏi này được ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ GD-ĐT, cách đây mấy ngày, đáp rằng đây là “câu hỏi rất hay nhưng… khó trả lời”! Điều đó cũng có nghĩa là đến thời điểm hiện nay (2015) và tương lai gần, giáo viên vẫn chưa thể sống được bằng lương.
Giáo viên không thể sống được bằng lương nhưng họ vẫn phải sống và làm việc. Vậy họ sống bằng cách nào?
Câu hỏi này cũng rất hay và cũng rất… khó trả lời! Một giáo viên lâu năm cười vui, nói rằng có gì khó, lương tối thiểu (1.150.000 đồng) người ta cũng sống được mà, huống chi lương giáo viên!
Thực tế, giáo viên sống bằng gì? Sống cam khổ trong phạm vi số tiền lương tối thiểu đó, cũng có thể tồn tại được với những giáo viên không có điều kiện dạy thêm.
Có người nói thẳng giáo viên sống bằng cách dạy thêm. Cũng có thể như vậy, dù họ biết việc dạy thêm đã bị cấm. Có đâu như ở nước ta, việc bắt giáo viên dạy thêm cũng ly kỳ, gay cấn như bắt nấu rượu lậu, đến nỗi có lãnh đạo địa phương còn gắt gỏng, thậm chí mất lịch sự với thầy cô khi lên án việc dạy thêm, học thêm!
Mà giáo viên dạy thêm có làm gì sai khi họ bán chất xám của chính họ, bán “cháo phổi” của chính mình, sao lại rình bắt người lao động bán sức lao động - bán chất xám của họ?
Một câu hỏi rất thực tế được đặt ra, có giáo viên nào đói khổ vì lương? Có công nhân - viên chức nào chết đói vì đồng lương? Và tại sao có nơi nhiều người còn bỏ ra nhiều triệu đồng để chạy cho được một chân công chức, viên chức, giáo viên? Câu hỏi này cũng rất khó trả lời nhưng đó là thực tế.
Dù sao đi nữa, thưa các thầy cô kính mến, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, hãy quên đi chuyện cơm áo gạo tiền. Xin kính chúc thầy cô vững vàng tinh thần yêu nghề, yêu người vô bờ bến. Và đó cũng là hạnh phúc!
Bình luận (0)