Nước ta đang là thị trường hàng đầu của Úc về nhập khẩu bò với hàng trăm ngàn con mỗi năm. Lợi nhuận thu về rất lớn nhưng không vì thế mà Úc bỏ qua nguyên tắc nhân đạo về giết mổ và vệ sinh thú y theo đúng quy định của ESCAS (quy định xuất khẩu theo chuỗi bảo đảm). Có thông tin cho rằng Úc đã bắt đầu điều tra về vụ tai tiếng này cho dù những con bò trong ảnh có phải là bò Úc hay không.
Ở Việt Nam, bên cạnh hầu hết doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn về giết mổ do phía Úc đưa ra, vẫn còn hàng ngàn cơ sở nhỏ lẻ giết mổ trâu bò theo cách thủ công, chưa đáp ứng được yêu cầu giết mổ nhân đạo và tất nhiên, búa tạ vẫn được dùng như công cụ phổ biến.
Hình ảnh người đàn ông dùng búa tạ giáng xuống đầu con bò lan nhanh như tia chớp và thật sự gây sốc cho nhiều người. Bày tỏ phản ứng trên các mạng xã hội, có người dùng từ “choáng váng”, có người thốt lên “man rợ quá”, “không thể tưởng tượng”, đặc biệt nhiều người tuyên bố không ăn thịt gia súc nữa với lý do “những miếng thịt ngon trên bàn hóa ra lại chất chứa sự đau đớn, vật vã của con vật đến như vậy”…
“Vì sao phải nhân đạo với con vật, nhất là khi chúng sắp chết?”. Câu hỏi này có nội hàm triết lý sâu sắc.
Con người là giống loài thông minh. Chính điều đó đã khiến chúng ta trong một thời gian dài tự cho mình cái quyền bắt nạt và đối xử với những giống loài khác theo cách chúng ta muốn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy quan niệm con người là động vật thông minh nhất có nguy cơ không còn đứng vững!
Khi đã “ngộ” dần về vị thế của mình cùng với trái tim bắt đầu biết rung động, con người bắt đầu hướng đến những động vật khác với thái độ ôn hòa, thân thiện và có trách nhiệm hơn. Khái niệm phúc lợi động vật hay quyền lợi động vật (animal welfare) xuất hiện trong bối cảnh đó, với mức độ đậm nhạt khác nhau.
Phúc lợi động vật ở đây được hiểu là sự bảo đảm cho loài vật được đáp ứng những nhu cầu cơ bản về mặt sinh học: không bị đau đớn, sợ hãi, không phải chịu đói, được phát triển ở mức độ cao, có những tình cảm tích cực, cảm thấy thoải mái và thỏa mãn. Đặc biệt, phải bảo đảm động vật sống trước khi bị giết mổ hay tiêu hủy được “chết một cách nhân đạo” bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp với từng loài.
Câu chuyện hành xử tệ với bò có vẻ mới chỉ vì yếu tố bất ngờ của nó. Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh về những kẻ giết tê giác lấy sừng, giết voi lấy ngà, giết hàng loạt chó mèo để lấy thịt… bằng những cách thức dã man khiến các tổ chức bảo vệ động vật quốc tế phải lên tiếng.
Xin nhớ, chúng ta đang sống trong một thế giới mà “sự lớn mạnh của một đất nước và tiến bộ về mặt đạo đức của nó có thể được đánh giá qua cách đối xử với loài vật ở đó” (Mahatma Gandhi).
Bình luận (0)