xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hào sảng miền Tây (*): Lòng không muốn về

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Chỉ một lần đến miền Tây, đã thương đủ thứ. Chữ thương bao dung và nhân hậu, nhẹ như hơi thở mà người miền Tây chỉ buông ra khi dằn lòng không được…

Miền Tây mênh mông như thế nên chi các nhà văn nặng lòng và về với vùng đất này khá nhiều.

Nguồn cảm hứng dạt dào

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nằm dài ngày trong căn nhà mép nước ở Cà Mau để có bút ký “Đất Mũi”, viết về những năm tháng người dân nơi đây chống Mỹ, bẻ gãy các chiến dịch lớn như “Mặt trời mọc”, “Phượng hoàng bay”... Nhà văn Nguyễn Tuân cũng từng đến Cà Mau nhưng đó lại là một chuyến đi không trọn vẹn. Cuối xuân năm 1976, Nguyễn Tuân vào đến Cà Mau. Trước đó, cụ từng ao ước: “Bao giờ rút hết thằng Mỹ, tôi vô trong các anh, các anh sẽ cho tôi no nê nhiều bữa sông vàm, kênh rạch”. Bởi vậy, khi cụ Nguyễn vào miền Tây, các nhà văn hăng hái dẫn cụ đi ngay về Đất Mũi. Dọc đường vào Năm Căn, cụ trải bản đồ miền Tây trên lòng thuyền, vừa xem bản đồ vừa ngắm phong cảnh. Đi đến đâu, cụ cũng ghi chép cẩn thận những tên gọi, những hình ảnh lạ thường của miền Tây, hy vọng sẽ có một bút ký để đời về vùng đất hào hùng này.

Hoa súng trên kênh rạch, một vẻ đẹp đặc trưng Tây Nam Bộ Ảnh: TRẦN CHÍ KÔNG
Hoa súng trên kênh rạch, một vẻ đẹp đặc trưng Tây Nam Bộ Ảnh: TRẦN CHÍ KÔNG

Về thị trấn Năm Căn, đoàn nhà văn được người nhà niềm nở đón tiếp nhưng khi đặt vấn đề đi tận cùng Đất Mũi thì mấy anh du kích Năm Căn không chịu bởi đoàn không cầm giấy giới thiệu của UBND Cách mạng tỉnh. Lúc bấy giờ, tàn quân Cộng hòa trốn chạy, vượt biên khá nhiều mà tác giả “Vang bóng một thời” thì tóc tai mũ áo, tay lại cầm can oai vệ như một quan chức cũ nên du kích “Ba Mươi Tháng Tư” cứ theo nguyên tắc mà làm. Cụ Nguyễn đành hái ít lá mắm, lá đước non ép vô sách, hẹn mai hậu sẽ có một chuyến tận cùng chót vót Đất Mũi “trối già”. Nhưng đó là chuyến đi cuối cùng của cụ. Hồi đó, cụ chỉ ở Cà Mau một ngày, dọc đường ghé uống nước trong cái quán ven đường của vợ chồng nhà giáo trẻ mang hai cái họ ngẫu nhiên mà ý nghĩa: Trịnh - Nguyễn. Anh giáo quá xúc động khi được nhà văn “đồ sộ” ghé thăm bất ngờ, liền lấy kim băng cài trên áo vợ trích giọt máu ngón tay nhỏ vào ly rượu đế, xin được hầu rượu tác giả “Vang bóng một thời”. Cuộc rượu chỉ có thế mà sau có kẻ ác ý, xuyên tạc Nguyễn Tuân... Theo nhà văn Đoàn Minh Tuấn, người đã đưa cụ Nguyễn Tuân đi chuyến đi ngày ấy: “Bình thường thì có lẽ vài ba tuần sau Nguyễn Tuân sẽ có một tùy bút rất sinh động về Cà Mau nhưng không hiểu vì lý do gì mãi đến khi cụ trăm tuổi vẫn chưa thấy?”.

Mà, ngay cả khi chưa đi đến Cà Mau, Nguyễn Tuân đã viết về vùng đất linh thiêng phía Nam Tổ quốc này khá nhiều, bút ký nào cũng da diết, uyên bác thần kỳ. Trong tác phẩm có cái tiêu đề dài nhất trong số các thiên bút ký: “Hôm nào Bắc Nam đã được quan hệ bình thường, anh sẽ vô thăm đâu trước hết?”, cụ Nguyễn hỏi rồi trả lời: “Tôi xin đi ngay mũi đất Cà Mau”. Bút ký “Vẫn cái tiếng dội Cà Mau ấy” gửi nhà văn Anh Đức sau khi đọc “Bức thư Cà Mau” của Anh Đức gửi hồi đầu năm 1964, nhà văn “thiên hạ đệ nhất xê dịch” đã thống kê đến hàng trăm địa danh của Cà Mau: Chà Là, Cái Nước, Rạch Rán, Rạch Rô, Rạch Muỗi, Bảy Háp, Rạch Tàu... Không yêu đến mê mẩn mộng mị Cà Mau, làm sao thuộc hết những cái tên giản dị đơn sơ như nếp nghĩ người Nam Bộ vậy?!

Nhưng phải đọc những tác phẩm của các cây bút miền Tây, đặc biệt là của nhà văn miệt vườn Sơn Nam, ta mới có dịp thấm đẫm miền Tây. Những tên bắt đầu bằng “Cái” có đến hơn chục tên, như Cái Bè, Cái Bé, Cái Côn, Cái Hươu, Cái Mơn, Cái Nai, Cái Nước, Cái Răng, Cái Sắn, Cái Thia, Cái Vồn, Cái Vừng…; “Gò” có Gò Bầu, Gò Găng, Gò Quao, Gò Tre, Gò Xoài; “Vàm” có Vàm Cỏ, Vàm Láng, Vàm Nao, Vàm Rầy, Vàm Thuận, Vàm Trư; “Xẻo” thì có Xẻo Bần, Xẻo Lá, Xẻo Nước, Xẻo Rô… Tên sao mà lạ mà lùng, mà ngộ nghĩnh! Đọc Sơn Nam, tới câu chuyện về xứ Cà Bây Ngọp, ta có dịp biết đến từ “len” trâu, tên một truyện ngắn đã được dựng thành phim “Mùa len trâu” bởi đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Nhà văn Sơn Nam giải thích: “Len - tiếng Khơme là tháo ra, cởi ra. “Len Krabey” nghĩa là tháo cho trâu chạy ra. Hồi xưa trâu nhiều mà người thương trâu như bạn, giăng mùng cho trâu ngủ để khỏi bị muỗi chích, mùa nước nổi phải dắt trâu lên núi tránh nước”. Nghe Sơn  Nam  kể, cảm thấy thích thú quá chừng ngôn ngữ thuật chuyện và ngôn ngữ nhân vật miệt vườn. Mà cũng không phải chỉ mình Sơn Nam. Trước đó, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Vương Hồng Sển, Hồ Biểu Chánh… đã có loại ngôn ngữ chân tình đó. Tới Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam và sau này là Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Hồng, Phan Trung Nghĩa…, người đọc mới cảm nhận hết được cái mộc mạc, chân chất của những người uống nước Cửu Long. Nói chuyện ngọn nguồn nước sông, chẳng phải “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam từng ám ảnh tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ đó sao?

Níu giữ chân người

Chợt nhớ hôm trước nhấp chén rượu bên sông Vàm Cỏ, nhắc mấy chuyện ghi-nét của ông Hai Tình, ông bạn văn cứ cắc cớ: “Thế nếu ông giàu như công tử Bạc Liêu, ông sẽ làm cái gì? Sẽ làm gì vậy?”. Hỏi chơi chơi mà sao khó trả lời quá...

Cũng định trả lời là sẽ lại đi miền Tây, để hiểu cho hết cái nơi có tiếng con gái giọng ngọt ngào nhất, có anh công tử Bạc Liêu xài sang nhất, có bác Ba Phi nói trạng nhất, rong ruổi cho tận cùng cái chốn có muỗi mòng nhiều nhất…

Mà không, không chỉ có thế. Bởi cái mênh mông miền Tây đó, có cái gì mà bắt mình cứ nhớ rồi thương không dằn lòng được?

Đó, ngay cả người miền Tây như nhà khảo cổ - TS Nguyễn Thị Hậu cũng không cầm lòng được trong một tản văn quá hay “Về miền Tây, thương...”: “Về miền Tây thương đất hè nắng nứt, thương đất vàng phèn mặn, thương những dòng sông mùa nước nổi… Thương chiếc xuồng len lỏi theo những rạch, tắt, cựa gà… Thương những chiếc ghe thương hồ từ nhiều đời miệt mài xuôi ngược… Về miền Tây thương nhà sàn lô nhô trên kênh rạch, thương bếp cà ràng đỏ lửa trên ghe… Về miền Tây thương những gian bếp có máng xối hứng nước mưa vào hai hàng lu mái… Chữ thương bao dung và nhân hậu, nhẹ như hơi thở mà người miền Tây chỉ buông ra khi dằn lòng không được…”.

Chao ôi, mình cũng có một chữ “nhớ” đối với miền Tây, không dằn lòng được. Chỉ mỗi câu ca về Cần Thơ thôi mà đã thừa sức đại diện cho một đồng bằng sông Cửu Long quyến luyến chân người: “Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi đến đó lòng không muốn về”.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo