xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hào sảng miền Tây: Vùng đất lạ lùng

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Quá trình hình thành lạ lùng tạo cho Tây Nam Bộ những đặc trưng hết sức riêng biệt. Miền Tây cũng dẫn đầu về những cái nhất: Nhiều sông ngòi nhất, nhiều lúa gạo nhất, nhiều cây trái nhất, nhiều tôm cá nhất...

Lịch sử miền Tây quả nhiên lạ lùng trên thế giới. Đồng bằng sông Cửu Long là một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông có diện tích gần 40.000 km2.

Chốn của lưu dân

Các nhà khoa học đã nhặt các mẫu than trên tầng mặt và xác định tuổi của nó lên đến 8.000 năm trước. Vùng đồng bằng hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua những kỷ nguyên thay đổi mực nước biển, tạo nên những giồng cát dọc theo bờ biển. Những hoạt động hỗn hợp của sông và biển đã hình thành những miền đất phù sa phì nhiêu dọc theo sông, dọc theo các giồng cát ven biển, trên trầm tích đầm mặn trũng thấp như vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên - Hà Tiên, Tây Nam sông Hậu và bán đảo Cà Mau.

 

Sản vật miền Tây như trái cây, tôm cá... phong phú quanh năm Ảnh: TRẦN CHÍ KÔNG
Sản vật miền Tây như trái cây, tôm cá... phong phú quanh năm Ảnh: TRẦN CHÍ KÔNG

 

Từ thế kỷ XVI, hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long bấy giờ dân cư thưa thớt, phần lớn diện tích bùn lầy. Sang thế kỷ XIX, vẫn khó phân biệt đâu là đất bưng, đâu là ao vũng. Bờ biển mơ hồ, rồi cây mắm đi mở đất. Loài mắm rất lạ, rễ đâm xuống đất rồi lại chĩa lên trời tua tủa, nhọn hoắt như những thanh kiếm của hiệp sĩ đi khai sơn phá thạch. Trên những lớp bùn phèn vừa được cây mắm lưu tạo, cây đước, cây vẹt đã mọc lên theo. Cây mắm do cấu tạo thân rỗng, thời gian sinh trưởng ngắn, thường lụi tàn khi đước lên xanh. Cây đước có những bộ rễ chùm cắm sâu trong đất, sống dài cả trăm năm. Đước mọc ven biển bời bời tạo nên những thảm rừng lớn giữ đất, cùng cây mắm lấn biển mỗi năm cả trăm mét ra phía trùng khơi.

Và theo sau những thảm rừng đước là dân Việt, chủ yếu là dân Thuận Quảng vốn có nhiều kinh nghiệm khai phá khẩn hoang. Từ thế kỷ XVII, công cuộc di cư mở nước vào Nam bắt đầu. Phủ Biên Tạp Lục ghi: Ra đi gồm lưu dân và người có vật lực. Vật lực từ miền Trung đưa vào không đủ thỏa mãn yêu cầu của lưu dân ngày càng đông thì đã có những thương gia người Hoa bao giờ cũng thính nhạy chờ sẵn ở Chợ Lớn, Sóc Trăng... Theo nhà văn Sơn Nam, tham gia mở đất miền Tây còn có nhóm Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch được phép định cư rất sớm ở Biên Hòa và Mỹ Tho. Phía Hà Tiên, với đầu óc thực tiễn, Mạc Cửu đã xây dựng Hà Tiên thành cảng phồn thịnh. Ở miền Trung, người dân Việt vốn quen thâm canh trên thửa ruộng nhỏ bé, khi đến đồng bằng sông Cửu Long bao la, canh tác trên những cánh đồng lớn thì phải thay đổi phương thức, nông ngư cụ, đồng thời phải tổ chức canh phòng ở vàm rạch, tổ chức thôn xóm, dựng đình... Nên chi người Việt phải đoàn kết, giao lưu chung sống với người Khmer, người Hoa cùng lập nghiệp ở đây, tạo nên những quần cư đông đúc. Rồi giặc đến, miền Tây chống giặc tạo nên những trang sử giữ nước hào hùng, góp chung truyền thống oanh liệt Việt Nam.

Ăm ắp sản vật

Tính chất lạ lùng của vùng đất tạo cho Tây Nam Bộ những đặc trưng hết sức riêng biệt. Ông Hai Tình  đúc kết: “Thống kê theo “ghi-nét” hiện nay, chú có thể thấy miền Tây dẫn đầu về những cái nhất: Nhiều sông ngòi nhất, vùng nhiều lúa gạo nhất, vùng nhiều cây trái nhất, nhiều tôm cá nhất, muỗi nhiều nhất...” .Tôi đã trở đi trở lại miền Tây đôi lần và giật mình vì ông Hai Tình nói chơi chơi vậy mà nào có sai. Sông Mê Kông là con sông giàu cá tôm đứng hàng thứ hai trên thế giới, chỉ sau sông Amazon. Vùng hạ lưu Mê Kông thuộc Việt Nam có hơn 1.200 loài thủy sản, sản lượng ước tính có đến 2 triệu tấn/năm. Cho đến nay, năng lực cung ứng cá nước ngọt của vùng châu thổ vẫn là “số dzách”, khó nơi nào bì kịp. Hiện đồng bằng sông Cửu Long có hơn 100 kênh trục, sông ngòi với chiều dài 7.000 km, hơn 36.000 km kênh cấp hai và kênh cấp ba. Hệ thống kênh rạch có năng lực giao lưu nước lớn nhất vào mùa lũ với khoảng từ 6.000-8.000 m3/giây, giúp cho việc phân áp lũ chảy vào vùng trũng, có tác dụng điều tiết dòng lũ và giữ nước mùa khô.

“Văn minh kênh rạch” Nam Bộ gần đây trở thành chủ đề hứng khởi đối với du khách trong và ngoài nước. Du lịch miệt vườn trên những chiếc xuồng ba lá đã trở thành mơ ước được hòa nhập với thiên nhiên của nhiều người. Vựa trái cây Nam Bộ bây giờ đã được xác định là lớn nhất không chỉ Đông Nam Á. Vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long giúp Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo. Người xưa đã nói: “Ruộng đồng mặc sức chim bay/ Biển hồ lai láng mặc bầy cá đua”.

Cá đã tạo nên một món ăn phổ biến ở Nam Bộ là mắm. Chỉ riêng cái lẩu mắm, “kỳ thú phương Nam” sành điệu phải đủ các thứ rau đồng nội như lá cách, rau nhút, cù nèo, tai tượng, càng cua, bông so đũa, bông điên điển... Tôi đồ rằng lẩu mắm là đỉnh cao của ẩm thực Nam Bộ. Ở trong đó có đầy đủ các sản vật miền Tây, từ hạt gạo chế biến thành sợi bún, vô số rau mọc tràn trong mênh mông đồng ruộng đến cá, tôm...; nghe cơ hồ như có hơi đất miệt vườn bao la, có vị ngọt sông rạch mênh mông ào ạt dâng tràn, có gió biển lồng lộng. Đó là dấu ấn của phong cách những người một thời đi mở cõi; là bản sắc của sự phóng khoáng, không cầu kỳ, câu nệ. Đời mà phong phú thơm tho và “biết lễ độ với thiên nhiên” làm vậy, hỏi cần chi hơn?

 

Sự gắn chặt với thiên nhiên tạo ra tính cách Nam Bộ thẳng thắn, bộc trực, nghĩ sao nói vậy; tác phong rõ ràng, dứt khoát, nói như rựa chém xuống đất; làm ra làm, chơi ra chơi...

 

Kỳ tới: Xứ sở của anh tài

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo