Vụ việc nói trên chỉ là hạt cát trong thảm trạng của 23.700 trường hợp vi phạm an toàn giao thông mà cơ quan chức năng phải xử lý trong 2 ngày 30-4 và 1-5 trên cả nước. Cũng trong 2 ngày này, 68 vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra đã khiến 36 người chết và 37 người bị thương. Riêng ngày 1-5, trong 90 bệnh nhân nặng cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) do TNGT, nhiều trường hợp ở tình trạng nồng nặc mùi cồn.
Trước khi xảy ra tai nạn ở cầu Hóa An, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự và phó trưởng Công an xã Nam Thái (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) sau vài chai bia đã mặc thường phục ra đường chặn xe hoạnh họe tài xế. Tại tỉnh Nghệ An, trong một vụ va chạm giữa ô tô con và xe máy, khi CSGT đến làm việc, tài xế cố thủ trong ô tô và quậy tưng khi được mời ra khỏi xe, lại còn đòi xé cả kết quả kiểm tra nồng độ cồn. Tài xế này là một thạc sĩ, tổ trưởng một bộ môn của Trường ĐH Vinh, với nồng độ cồn khi được kiểm tra lên đến 1,21 mg/lít khí thở.
Sẽ khó thống kê nổi mỗi ngày có bao nhiêu người điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng say xỉn. Một thống kê mới đây của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy có tới 40% vụ TNGT là do chủ phương tiện uống rượu, bia và 11% số người chết khi lưu thông trên đường có liên quan đến rượu, bia; kiểm tra nồng độ cồn hơn 3.500 trường hợp, lực lượng chức năng phát hiện 170 trường hợp vi phạm buộc phải tạm giữ 170 phương tiện, tước giấy phép lái xe 159 trường hợp, phạt tiền gần 1 tỉ đồng. Trong đó, đặc biệt có 25 trường hợp nồng độ cồn vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.
Những con số này cho thấy tình trạng sau khi uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện lưu thông là chuyện không lạ ở nước ta.
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, mới đây đã điều tra tại TP HCM, cho thấy trong số người được khảo sát có 23,2% đã uống rượu, bia ngay cả khi sức khỏe không tốt và 24,7% cố uống khi người khác ra sức ngăn cấm; 49,6% sử dụng 1 lần/tuần; 11,9% sử dụng 2 lần/tuần; hơn 13% sử dụng 3 lần/tuần và 25,5% sử dụng trên 3 lần/tuần; 37,9% trả lời sử dụng rượu, bia đều đặn; hơn 40% có dấu hiệu nghiện, thèm và tỉ lệ nghiện nặng là 4%.
Những số liệu này sẽ còn nhiều tranh cãi nhưng chắc chắn là liên quan đến những “kỷ lục” không lấy gì làm hay ho của người Việt Nam về rượu, bia: là nước tiêu thụ lớn nhất trong các nước ASEAN, thuộc top 3 các nước tiêu thụ lớn nhất châu Á, 1 trong 25 nước uống nhiều nhất thế giới.
“Khi say xỉn thì người hữu ích hay tên vô lại đều có thể biến thành kẻ sát nhân” - điều này đã và đang diễn ra đến mức bình thường và có lẽ không cần phải nhọc công tìm kiếm để chứng minh.
Bình luận (0)