PGS-TS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, nhận định: “Môi trường vịnh Nha Tranh đang chịu ảnh hưởng đáng kể của việc phát triển kinh tế trên vịnh, đặc biệt là vận tải biển, cảng biển, nuôi trồng thủy sản. Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào về mức độ tác động từ những ảnh hưởng này, tuy nhiên có thể quan sát được sự ô nhiễm khi nước thải sinh hoạt của cư dân Nha Trang trực tiếp đổ vào vịnh”.
Môi trường và đa dạng sinh học vịnh Nha Trang cũng chịu những tác động từ chính hoạt động du lịch. Hoạt động neo đậu tàu để khách du lịch lên các đảo, hoặc lặn ngắm san hô quanh các đảo cũng ảnh hưởng đến các rạn san hô. Ngoài ra, nhu cầu mua hàng lưu niệm, thuốc chữa bệnh dân gian từ các sinh vật biển như san hô, rùa biển, cá ngựa... của khách du lịch cũng đã kích thích việc khai thác của người dân và qua đó ảnh hưởng đến sự tồn tại của các sinh vật quý hiếm ở khu vực này.
Hiện nay có hơn 1.000 hộ dân với hơn 5.000 người sinh sống trong vịnh Nha Trang phần nào ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vịnh.
(Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Du lịch Việt Nam) |
Theo nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, vào năm 1994 có đến 52, 4% rạn san hô bao phủ, nhưng đến năm 2005, con số này đã giảm xuống chỉ còn 21,2%. Trung bình mỗi năm giảm 2,8%, nếu như vậy thì 30 năm nữa những rạn san hô này sẽ không còn. Đơn cử: Khu vực hòn Tằm, san hô đã bị suy thoái, rong phát triển chồng chất lên các rạn san hô. Hòn Miếu cũng chỉ còn rong, vì chất thải của việc nuôi trồng thủy sản làm san hô nơi đây bị suy thoái...
Theo ông Bernard O’ Callaghan, đại diên Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN): “Việc khai thác đánh bắt là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường. Neo đậu tàu đánh bắt cá cũng là nguyên nhân làm cho các rạn san hô bị tổn hại. Các vết dầu loang ngày một nhiều làm cho các rạn san hô và môi trường nước đang bị hủy hoại một cách nhanh chóng”.
“Ngoài ra, có rất nhiều chất thải khác từ sinh hoạt của người dân, cũng như việc sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong vịnh làm nguy hại môi trường sinh vật biển. Vấn đề đặt ra là các cấp chính quyền địa phương phải có kế hoạch quản lý, khai thác và phát triển nó như thế nào để sao cho vẫn giữ gìn được nguyên trạng”, ông Bernard O’ Callaghan nói.
Bình luận (0)