Bẫy ngầm ngay dưới đường!
Ngày 7-10, người dân ở đường Pasteur đoạn từ Lý Tự Trọng đến Nguyễn Du đã thực sự hốt hoảng khi một chiếc xe buýt vừa chạy qua đã để lại đằng sau một hố sâu hoắm ngay trên con đường trải nhựa đẹp đẽ! Thì ra đoạn cống vòm dưới lòng đất đã bị sụp lở không biết tự bao giờ. Khi Công ty Thoát nước Đô thị TP tiến hành sửa chữa đoạn cống vòm trên đã phát hiện thêm 1 điểm bị sụp nữa, trong đó có điểm bị sạt lở với diện tích rộng khoảng 3 m2! Theo nhận xét của nhiều người, cũng may, sự cố này xảy ra vào lúc ít xe cộ lưu thông, nếu không hậu quả thật khó lường!
Đoạn cống vòm trên đường Châu Văn Liêm cũng bị sạt vách, lớp xà bần, bùn đất từ các công trình xây dựng lấp dày đoạn cống từ 0,6 m đến 1,2 m. Vì cống bị lấp nên đã gây ngập trên nhiều tuyến đường xung quanh.
Theo Công ty Thoát nước Đô thị, TP có 64 km hệ thống thoát nước xây dựng bằng cống vòm. Trong đó, cống vòm lớn nhất có bề ngang 2,35 m, cao 1,8 m, nhỏ nhất có tiết diện là 0,5 m x 0,5 m. Cống vòm có tiết diện lớn được lắp đặt trên các tuyến đường xung quanh các khu vực quận 5, 6 như đường Trần Bình Trọng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Tri Phương, Triệu Quang Phục, Hồng Lạc... Ở khu vực trung tâm TP, các đường Pasteur, Lý Tự Trọng, Phó Đức Chính, Lê Công Kiều... cống vòm có tiết diện trung bình 0,8 m x 1,6 m.
Công ty Thoát nước Đô thị đã tiến hành kiểm tra một số tuyến cống vòm và phát hiện nhiều đoạn bị xuống cấp, có nguy cơ sụp lở rất cao. Như cống vòm trên đường Phó Đức Chính, đoạn từ Lê Công Kiều đến Nguyễn Thái Bình, bị nứt, hở đỉnh vòm; cống vòm trên đường Hai Bà Trưng bị mất chân, mất gạch thân cống; đường Đinh Tiên Hoàng, Châu Văn Liêm, hàng trăm vị trí cống cũng bị xuống cấp nghiêm trọng. Chính những hư hỏng này sẽ làm cho đường giao thông bị sụp khi phương tiện chuyên chở có tải trọng lớn đi qua gây nguy hiểm khó lường cho người đi đường. Riêng hệ thống cống vòm đường Pasteur và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn từ đường Nguyễn Du đến Lê Thánh Tôn bị xuống cấp vì nằm ngay độ dốc khoảng 2 m so với đường Lê Lợi đã làm vận tốc nước chảy xiết, ăn mòn các chân tạo hàm ếch rộng phía bên dưới.
Vẫn chưa giải quyết một cách đồng bộ...
Để đối phó với việc xuống cấp của cống vòm, Công ty Thoát nước Đô thị đưa ra nhiều biện pháp như tô trát lớp vữa xi măng hợp lý để chịu sự ăn mòn trong môi trường nước cống, phun bê tông mác cao, độ kết dính mạnh vào các vết nứt... Tuy nhiên, các giải pháp này cũng chỉ là tạm thời. Cống hư hỏng phải được thay thế toàn tuyến mới có khả năng thoát nước và bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Theo ông Đào Trọng Luyện, Phó Giám đốc Công ty Thoát nước Đô thị TP, chuyện thay thế, sửa chữa cống vòm là chuyện phải làm trong tương lai gần nhưng cần phải có sự hỗ trợ của TP, của các nhà khoa học và các đơn vị có công nghệ tiên tiến cùng hợp tác. Trước mắt, công ty đã lập dự án thay thế đoạn cống vòm đường Pasteur đoạn từ Nguyễn Du đến Lý Tự Trọng khoảng 160 m bằng cống tròn Æ 1200, với kinh phí đầu tư khoảng 860 triệu đồng. Thế nhưng, hiện nay, sửa chữa, thay cống vòm chỉ mới được tiến hành ở giai đoạn lập dự án đánh giá toàn bộ hiện trạng cống vòm trên địa bàn TP cho kế hoạch năm 2004! Còn việc thay cống vòm bị hư hỏng bằng cống tròn chỉ mới thực hiện ở 3 đoạn đường chưa đầy 500 m. Hệ thống cống vòm TP dài 64 km nhưng chỉ mới thực hiện 500 m thì người dân vẫn còn phải lo lắng.
Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị TPHCM, cho biết: “Hiện tại, chỉ có thể sửa chữa hư hỏng thông thường của cống gây ra sụp lở trên đường. Về lâu dài, Sở GTCC có kế hoạch kiểm tra để thay hệ thống cống vòm bị hư hỏng...”.
Bình luận (0)