xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiểm họa bom mìn

HỒNG ÁNH - TỬ TRỰC - QUANG NHẬT - THỐT NỐT

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nhiều nơi trên cả nước còn xảy ra tai nạn bom mìn, gây thương tật hoặc tử vong cho nhiều người. Vụ nổ đạn cối ở Vĩnh Long làm 4 trẻ em tử vong và 4 trẻ khác bị thương là một trong hàng ngàn vụ thương tâm như thế

Đến bây giờ, người dân ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự - Đồng Tháp vẫn chưa hết ám ảnh bởi vụ nổ mìn vào trưa 20-3-2011. Lê Văn Dự (26 tuổi) và Nguyễn Tuấn Em (21 tuổi) cùng ngụ xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng - Long An đến khu vực ấp 1, xã Thường Phước 1 để rà tìm phế liệu. Tìm được quả mìn dưới lòng đất, cả 2 dùng vật cứng cạy lớp đất dính bên ngoài thì bất ngờ quả mìn phát nổ làm Dự và Em chết ngay tại chỗ.
img
Bộ đội công binh rà phá bom mìn ở huyện Sông Hinh - Phú Yên. Ảnh: HỒNG ÁNH

Hậu quả kinh khiếp

Đau lòng không kém là vụ nổ ở xóm núi Phú Lương, xã An Phú, TP Tuy Hòa - Phú Yên vào một ngày tháng 7-2011. Cũng như những ngày hè khác, người lớn ra đồng từ sáng sớm, còn trẻ em chăn bò lên núi. Khoảng 10 giờ, nghe một tiếng nổ vang, biết chuyện chẳng lành, nhiều người bỏ việc chạy lên núi. Giữa đường thì gặp em Trương Văn Thẩn (14 tuổi) mặt mày đầy máu liêu xiêu chạy xuống núi. “Thằng Tiên chết rồi” - Thẩn chỉ nói được vậy rồi ngất xỉu.

Bây giờ, ngồi săm soi những vết sẹo to tướng trên vành tai và chi chít những sẹo nhỏ trên cánh tay, chân và ngực, Thẩn kể: “Hôm ấy, sau khi đưa bò lên núi, Nguyễn Đình Tiên (12 tuổi) nhặt được một quả kim loại màu vàng rất đẹp (sau này xác định là đạn M79). Tiên rủ Thẩn cùng đập xem thử bên trong có gì. Đập mãi không ra, mệt mỏi, Thẩn nằm xuống đất định ngủ thì nghe một tiếng nổ chát chúa. Thẩn vùng dậy, thấy Tiên nát cả một bên người, mặt dập, mở miệng ú ớ như muốn nói điều gì nhưng không kịp, tắt thở.

Từ ngày Tiên mất, bà Trần Thị Cúc (44 tuổi, mẹ của Tiên) như người mất hồn. Hôm chúng tôi đến, hỏi gì bà cũng không nói, chỉ khóc. “Bà ấy nằm liệt giường đã mấy tháng, khi tỉnh lại thì như người đãng trí” - ông Nguyễn Đình Nhưng, chồng bà Cúc, nói. Nguyễn Đình Triền, anh của Tiên, cũng buồn vì mất em nên xuống tóc đi tu. Nhà vốn nghèo càng trở nên u ám.

“Mỗi khi nghe có người tử nạn vì bom mìn, tôi lại giật mình, cảm thấy như mình có lỗi vì không rà phá hết. Nhưng làm sao hết được, đất nước mình nơi đâu chẳng có bom mìn” - thượng tá Trần Huy Hoàng, Chủ nhiệm Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, thở dài. Cách đây không lâu, người dân báo có một vụ nổ tại nhà ông Bảy Chạy ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa). Công binh tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra thì phát hiện ông Chạy chôn hàng chục quả đạn 155 ly ngay trước sân để dành cưa lấy thuốc nổ. Trong lúc tìm kiếm, thượng tá Hoàng phát hiện đầu ông Chạy bị đạn nổ (lúc cưa) cắt đứt, bắn văng lên ngọn tre gần đó.

Dù đã ở tuổi 52 nhưng ông Võ Đức Quốc, ngụ thôn An Điềm 2, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi, trông chẳng khác nào một đứa trẻ. Ông ngồi đó, chợt khóc chợt cười trong góc nhà lặng lẽ; đôi mắt vô hồn, thẫn thờ...

Tiếp chúng tôi, bà Võ Thị Hạnh (chị ông Quốc) kể: Cách đây 25 năm, Quốc là một thanh niên khỏe mạnh, khôi ngô. Khi vừa xuất ngũ về, trong lúc cùng em trai (Võ Đức Oai) dọn dẹp cỏ trong vườn thì bất chợt một quả bom bi phát nổ khiến Oai chết ngay tại chỗ, còn Quốc văng ra xa, máu me đầy người. Quốc được đưa đi cấp cứu, giữ được mạng sống nhưng từ đó đến giờ bị thần kinh nặng. Mỗi khi trái gió trở trời, Quốc lại lên cơn đau nhức, la hét, cả nhà không ai cản được.

Từ năm 1975 đến nay, tỉnh Quảng Ngãi có gần 1.400 người chết và hơn 1.600 người bị thương do hậu quả của bom mìn.
img
Một lượng lớn bom mìn được lực lượng công binh tỉnh Quảng Ngãi thu gom mới đây. Ảnh: TỬ TRỰC

Trời kêu ai nấy dạ!

Khu phố 2, phường 4, TP Đông Hà - Quảng Trị có 196 hộ với trên 1.000 nhân khẩu nhưng vì không có ruộng đất, nghề nghiệp nên hơn nửa số dân ở đây mưu sinh bằng nghề đi rà phế liệu. Ông Nguyễn Tiến Lành, tổ trưởng khu phố 2, cho biết đến nay đã có 31 người bị thương, hơn 20 người chết do tai nạn bom mìn trong khi mưu sinh. Trong đó, rất nhiều gia đình có 2-3 người chết.

Chúng tôi đến thăm căn nhà nạn nhân mới nhất ở khu phố 2, ông Đào Mua (59 tuổi), đúng một tháng sau ngày ông qua đời. Bà Đào Thị Quân (56 tuổi, vợ ông Mua) nước mắt lưng tròng khi nhìn những tấm ảnh ghi lại người chồng lúc bị tai nạn.

Bà Quân cho biết chồng mình hành nghề rà phế liệu từ sau chiến tranh đến nay để nuôi cả gia đình gồm 5 đứa con và một mẹ già. Ông Mua gặp nạn khi đang rà tìm phế liệu tại khu vực Khe Lau, thuộc phường 3, TP Đông Hà. Quả bom bi ông cuốc trúng đã phát nổ đã khiến ông chết tại chỗ do quá nhiều vết thương nặng ở đầu, ngực và tứ chi.

Sau những ngày nghỉ ở nhà chịu tang cha, giờ đây chị Đào Thị Huệ (36 tuổi, con gái của ông Mua) vẫn ngày ngày cùng chồng lại tiếp tục công việc tìm kiếm phế liệu chiến tranh để mưu sinh ở vùng Lìa, phía Tây huyện Cam Lộ. Chị cho biết mình theo nghề cha đã hơn 10 năm. “Cái nghề này trời kêu ai nấy dạ, tránh cũng không được đâu. Chúng tôi cũng rất muốn bỏ nghề nhưng nếu bỏ thì lấy gì nuôi con” - chị Huệ bộc bạch.
img
Ông Đào Mua, nạn nhân bom mìn mới nhất của khu phố 2, phường 4, TP Đông Hà - Quảng Trị. Ảnh: QUANG NHẬT
 
Trước đó vài tháng, ông Đào Mạo (48 tuổi, một người dân khu phố 2) cũng qua đời vì tự ý tháo đạn gây nổ ngay tại nhà mình. Ông Mạo qua đời bỏ lại 7 đứa con, trong đó đứa nhỏ nhất chưa đầy 2 tuổi cho người vợ nuôi nấng. Ông Đào Tạo (79 tuổi, cha ông Mạo) cho biết cách đây hơn 10 năm, Đào Thị Tỵ (người con thứ 2 của ông Tạo) cũng chết khi mới 25 tuổi do rà trúng bom mìn. Ông Nguyễn Tiến Lành chua xót: “Ai cũng biết là nguy hiểm đến tính mạng nhưng đành phó thác số phận cho trời vì miếng cơm manh áo...”.

42.000 người chết vì tai nạn bom, mìn

Theo kết quả điều tra của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (thuộc Bộ Tư lệnh công binh), hiện Việt Nam vẫn còn 66.000 km2 (tương đương 20,1% diện tích cả nước) ô nhiễm bom mìn. Trong đó, 4.300 km2 phải bỏ hoang do ô nhiễm nặng. Trên toàn quốc có hơn 42.000 người bị chết, hơn 62.000 người bị thương vì bom mìn kể từ sau năm 1975 đến nay. Trung bình mỗi năm có 1.530 người chết và khoảng 2.270 người bị thương vì bom mìn.

Kỳ tới: Sống chung với tử thần

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo