Hôm 18-4, vụ nổ nồi hơi tại một công ty gỗ ở Nghệ An làm 11 công nhân bị thương. Trước đó, ngày 19-3, vụ nổ lớn do cưa phá bom xảy ra tại khu đô thị Văn Phú (Hà Nội) làm hơn 10 người thương vong và hàng chục ngôi nhà hư hỏng. Rõ ràng hiểm họa cháy nổ đã và đang chực chờ đe dọa cuộc sống của con người.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, năm 2015, cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ cháy, nổ làm ít nhất 90 người chết, hơn 140 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 1.300 tỉ đồng. Những con số đau thương nói trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh và trong một chừng mực nhất định làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng cháy, nổ liên tiếp xảy ra với những dấu hiệu phức tạp. Một trong những lý do hàng đầu chính là ý thức chấp hành các quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ bị xem nhẹ, thậm chí là buông lỏng. Khi kiểm tra công tác an toàn phòng chống cháy, nổ, các đơn vị hữu trách phát hiện hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã cắt giảm tối đa các chi phí liên quan tới công tác này để bớt tốn kém. Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh tự ý mở rộng, thay đổi công năng sử dụng của công trình hoặc tàng trữ các vật liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ trái quy định. Thực tế cho thấy không ít vụ cháy rất nghiêm trọng xảy ra chỉ vì hệ thống báo cháy, chữa cháy ban đầu bị tê liệt do không được đầu tư đúng mức. Hệ thống phòng cháy, chữa cháy ở các chung cư cao tầng, khu dân cư đông đúc càng “bèo bọt” hơn.
Một nguyên nhân khác là từ trước đến nay, việc kiểm tra phòng chống cháy, nổ của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp bị xem nhẹ. Các lực lượng này hầu như chỉ rầm rộ ra quân trong dịp “Tuần lễ quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ”, sau đó thì “bỏ dùi”. Do đó mới có chuyện một bãi thu gom, tập kết phế liệu, trong đó có không ít vật liệu nổ vẫn tồn tại thời gian dài giữa khu đô thị Văn Phú nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương không hề có biện pháp xử lý. Đến khi hậu quả tang thương xảy ra, những người có trách nhiệm mới vội vàng kiểm tra thì đã muộn.
Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy chữa cháy khẳng định việc phòng chống cháy, nổ là trách nhiệm của mọi người. Do vậy, để nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng chống cháy, nổ rất cần sự vào cuộc tích cực, liên tục, đồng bộ nhiều giải pháp của các cơ quan chức năng và chính quyền. Phải kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp không chấp hành pháp luật về an toàn phòng chống cháy, nổ cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể buông lỏng, xem nhẹ công tác này. Có như vậy mới tránh được hiểm họa cháy nổ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Bình luận (0)